Đây là một điểm đến “hot” suốt thời gian qua trên bản đồ du lịch và truyền thông. Bảo tàng tọa lạc tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là một dự án của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên và tất nhiên người khởi xướng là chủ tịch tập đoàn Đặng Lê Nguyên Vũ. Và người hiện thực hóa dự án này là kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp và văn phòng a21 Studio. Hiệp cũng được định danh là Hiệp “khùng” bởi tố chất và tính cách hổng giống ai của anh.
Bảo tàng Thế giới cà phê hoàn thành xây dựng và khánh thành cuối năm 2018 đã nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật không chỉ ở Buôn Ma Thuột hay Đắk Lắk mà có phạm vi phủ sóng vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Ở nước ta, thể loại công trình bảo tàng còn nhiều những hạn chế và khiếm khuyết, tập trung nhiều ở các dạng bảo tàng tổng hợp, bảo tàng ngành nghề, bảo tàng văn hóa hay bảo tàng nghệ thuật… và nhiều bảo tàng đìu hiu khách; thì một bảo tàng với một đối tượng, một cái tên mới mẻ là “cà phê” hẳn đem lại sự tò mò đến phấn khích.
Công trình là một tổ hợp các khối uốn cong khá tự do, được kết nối với nhau qua những “điểm chạm” trên các đường cong. Dấu ấn bản địa trên hình khối kiến trúc, đó là hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và bộ mái vút cao của nhà rông – những biểu tượng của kiến trúc Tây Nguyên.
Với công trình bảo tàng, theo logic của thị giác, kiến trúc là một yếu tố quan trọng. Sự lôi cuốn và hấp dẫn của bảo tàng trước hết đến từ hình thức kiến trúc bên ngoài rồi mới đến không gian trưng bày ở trong.
Kiến trúc của Bảo tàng Thế giới cà phê đã làm được điều đó. Công trình là một tổ hợp các khối uốn cong khá tự do, được kết nối với nhau qua những “điểm chạm” trên các đường cong. Tổng cộng có 5 khối uốn lượn như vậy. Dễ dàng nhận ra dấu ấn bản địa trên hình khối kiến trúc, đó là hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và bộ mái vút cao của nhà rông – những biểu tượng của kiến trúc Tây Nguyên.
Với bố cục phân tán, công trình cho một cảm giác dàn trải, nhẹ nhàng và hòa hợp với thiên nhiên. Một phần của công trình được “chôn” xuống đất, tạo nên nhiều tầng bậc, dẫn dắt người xem với nhiều điều thú vị, gợi mở những khám phá trên những bước chân.
Các khối kiến trúc nối với nhau bằng những ô cửa vòm, là điểm chạm của các đường cong trên mặt bằng. Những không gian trưng bày lịch sử và văn hóa cà phê.
Ánh sáng tự nhiên được khai thác từ đỉnh mái và cửa sổ đầu hồi. Các khe sáng dẫn dắt như những nét vẽ hình dáng mặt bằng.
Nhìn một cách tổng thể, kiến trúc công trình là một sự tự do, bay bổng, ngẫu hứng nhưng vẫn khoa học, chặt chẽ, kín đáo, bền vững của thể loại công trình bảo tàng. Bê tông trần là chất liệu chủ đạo, hiện diện ở mọi diện tường – mái trong nội thất. Còn lại là gỗ, đá, sàn mài xi măng; chỉ vậy thôi. Tất cả tạo nên sự thô mộc, giản dị phóng khoáng và phù hợp với hình khối và cấu trúc công trình.
Một điểm đáng chú ý khác là phần chiếu sáng: khác với nhiều công trình bảo tàng thường có tính “đặc”, tối và chủ trương chiếu sáng nhân tạo thì ở đây, công trình lại rất mở, với việc khai thác chiếu sáng tự nhiên hợp lý từ những mái kính trên đỉnh và những ô cửa ở đầu hồi. Khe sáng trên mái kính không như một nét vẽ hình dáng mặt bằng của khối kiến trúc với những đường cong uốn lượn khác nhau.
Việc kết hợp giữa tính bản địa, tính dân tộc với một hơi thở, tinh thần hiện đại ở công trình này có thể nói là một sự thành công nhất định. Chỉ tiếc một điều, có nhiều chỗ chưa được “nét” lắm, không biết có phải là lỗi thi công hay là chủ định của tác giả thiết kế để tạo nên cá tính thô mộc, hoang dã của công trình???
Bảo tàng Thế giới cà phê là tổ hợp của nhiều không gian, trong đó có các không gian dành cho trưng bày, triển lãm, thư viện, hội thảo, nơi thưởng lãm cà phê… Tất cả các không gian tạo thành nhiều lớp lang kết nối uyển chuyển với nhau trong một tinh thần “Sống – Mở – Tương tác” trong một không gian lớn là công viên cà phê. Và dù là bảo tàng, nhưng công trình đã thoát khỏi lối mòn của nhiều bảo tàng khác – là không gian chết trưng bày các hiện vật trong tủ kính.
Ở đây, với định hướng là một bảo tàng sống, công trình cho phép người xem trải nghiệm với 5 ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm – tất nhiên là không chạm vào hiện vật trưng bày không cho phép). Đây được xem là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống không đóng mình vào khái niệm “bảo tàng” theo tư duy cũ. Không gian triển lãm mang tính mở cho các hoạt động về Thân – Tâm – Trí với giá trị cốt lõi là tinh thần cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.
Ở không gian quan trọng nhất là không gian trưng bày, khách tham quan có cơ hội được hiểu thêm rất nhiều về lịch sử và văn hóa của cà phê và ngành cà phê, từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản cà phê tới việc chế biến, pha chế và thưởng thức cà phê.
Cũng trong không gian này, khách tham quan cũng được khám phá về ba nền văn minh cà phê, đó là nền văn minh cà phê Thiền, Ottoman và Roman.
Trong 10.000 hiện vật bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày (có lẽ chưa trưng bày hết), có nhiều hiện vật có niên đại cổ xưa, từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; đặc biệt là những máy nông cụ sử dụng trong công đoạn chế biến cà phê như máy phân loại cà phê, xay cà phê, rang cà phê… từ thời chưa có điện, hoàn toàn cơ học.
Những hiện vật trưng bày có tuổi đời hàng trăm năm.
Một góc trưng bày hiện vật. Lò rang cà phê, xuất xứ từ Ethiopia.
Bên cạnh không gian trưng bày cố định, bảo tàng cà phê còn liên tục tổ chức các trưng bày chuyên đề và nhiều sự kiện văn hóa theo định hướng bảo tàng sống. Trong hai năm đầu hoạt động, bảo tàng đã tổ chức hơn 60 sự kiện văn hóa, tiêu biểu gồm các triển lãm chuyên đề về cà phê và các hoạt động bảo tồn, giới thiệu văn hóa cộng đồng bản địa, thế giới.
Các triển lãm chuyên đề có thể kể đến như Cà phê & sự quay về nguồn cội (3.2020), Cà phê & sự khai sáng nhân văn (6.2020), Cà phê & sự giao thoa Đông Tây (9.2020), Cà phê – Năng lượng của nền kinh tế tri thức (11.2020).
Các sự kiện văn hóa đã tổ chức có thể kể tới như: hội thi ủ rượu cần Ê Đê, giao lưu văn hóa thổ cẩm Ê Đê và Batik Indonesia, tết trồng cây hàng năm, nghệ thuật xếp giấy Origami, ngày hội thả diều – thả ước mơ…
Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật pha chế cà phê trên toàn cầu, cũng như các khóa đào tạo dài hạn về kỹ năng Barista từ cơ bản đến chuyên nghiệp, hay các chương trình tọa đàm giáo dục cũng được Bảo tàng Thế giới cà phê tổ chức thường xuyên.
Các loại bình, ấm, dụng cụ pha chế và đựng cà phê. Bình đựng cà phê, xuất xứ từ Brasil.
Những nông cụ trong phần trưng bày “Thu hái cà phê”. Một góc bếp chế biến cà phê của người Tây Nguyên..
Ở sảnh chính của bảo tàng có một bức tường trưng bày những hình ảnh công trình từ quá trình thi công đến khi hoàn thành, cùng các hoạt động của bảo tàng; người ta có thể thấy rất nhiều điều thú vị. Trong nhóm ảnh thi công công trình, tôi nhìn thấy ảnh của chỉ huy trưởng công trường và nhóm kỹ sư thi công, họ đều rất trẻ. Nhưng tôi không thấy hình ảnh của KTS Nguyễn Hòa Hiệp – người chủ trì thiết kế (hay tại tôi chưa tìm thấy?). Nhưng cũng có thể đấy là cách mà Hiệp “khùng” thể hiện. Từ khi công trình nổi như cồn trên các báo và diễn đàn du lịch, thì dường như anh vẫn lặng im…
Ở đó, chỉ thấy có một bức ảnh chụp lại một phác thảo đường cong nguệch ngoạc – ý tưởng sơ khởi ban đầu, với câu trích dẫn từ trường ca Đam San: Nhà dài như một tiếng chiêng…