Một dự án khởi nghiệp ở Sapporo, Hokkaido, đang nỗ lực phổ biến du lịch bằng kinh khí cầu không gian cho phép du khách ngắm nhìn cảnh tượng tuyệt đẹp của vũ trụ.
Công ty Iwaya Giken được thành lập vào tháng 4 năm 2016 bởi Keisuke Iwaya, 37 tuổi, người học ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Hokkaido với mục tiêu biến “du lịch gần không gian bằng khinh khí cầu” thành hiện thực. Hơn 35 nhân viên của công ty đã được huấn luyện bay và thu thập dữ liệu. Iwaya Inc., cho biết nếu phương tiện này có thể đạt đến độ cao 25km trong tương lai gần, khách hàng sẽ có thể nhìn thấy màu xanh của Trái đất bên dưới và bóng tối của không gian phía trên trong hành trình của họ.
Mặc dù khinh khí cầu không gian chỉ bay đến gần giữa tầng bình lưu và thực tế hành khách sẽ không ở ngoài vũ trụ song họ vẫn ở độ cao cao hơn trần bay của một chiếc máy bay và có tầm nhìn không bị cản trở ra ngoài không gian. Thông thường, một máy bay chở khách chỉ hoạt động trong độ cao 10.000 – 12.800 m, còn máy bay chiến đấu có thể bay tới độ cao 15.000 m.
Không giống như tàu vũ trụ, khinh khí cầu không gian của Giken sẽ bay lên bằng khí heli và khí này có thể được tái sử dụng. Các chuyến bay cũng sẽ giới hạn phạm vị ở trên lãnh thổ hoặc không phận Nhật Bản một cách an toàn.
Khinh khí cầu không gian có hai chỗ ngồi được công ty Iwaya Giken giới thiệu. Ảnh: NY Post
Do việc thở trở nên khó khăn ở độ cao trên 4 km nên cabin kín gió được làm bằng nhựa đặc biệt chịu được áp suất và nhiệt độ không khí bên ngoài. Con tàu được trang bị một cỗ máy có khả năng duy trì sự sống cho những người bên trong bằng cách duy trì bầu không khí dễ thở, thông qua việc kiểm soát các bộ phận như nồng độ oxy và hơi nước của cabin. Đây là một khinh khí cầu dạng cabin hai chỗ ngồi có khả năng bay lên tới độ cao 25.000 m – khoảng cách mà người bên trong có thể nhìn thấy đường cong của Trái Đất.
Iwaya đã bắt đầu nhận đơn đăng ký tham gia các chuyến tham quan từ công chúng, kết thúc vào cuối tháng 8. Hãng dự kiến thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 3/2024. Mặc dù chuyến đi kéo dài 4 giờ sẽ tiêu tốn 24 triệu yên (164.000 USD) cho mỗi hành khách nhưng công ty cho biết họ đã nhận được đơn đăng ký ngoài mong đợi. Những ứng viên thành công có thể sẽ được công bố vào đầu tháng 10 và bắt đầu tập huấn bay vào tháng 11 và tháng 12.
Trong khi du hành vũ trụ nói chung là sở thích của giới siêu giàu, Iwaya hy vọng rằng nếu dự án của ông thành công, sẽ có nhiều người có thể nhìn thấy Trái đất từ trên cao với mức giá thấp hơn nhiều so với du hành vũ trụ bằng tên lửa. Giám đốc điều hành Iwaya cho biết công ty đã hợp tác với các công ty du lịch như một phần trong nỗ lực “giảm chi phí xuống khoảng 1 triệu yên trong tương lai”.
Người sáng lập cho biết: “Một con đường gập ghềnh đang ở phía trước. Chúng tôi sẽ lặp lại các chuyến bay thử nghiệm để chứng minh sự an toàn trong hoạt động của mình”. Ông nhấn mạnh, ưu tiên sự an toàn hơn bất cứ điều gì khác, công ty khởi nghiệp công nghệ tầm cao này mong muốn “phổ biến du hành vũ trụ”.