Trekking là hình thức du lịch mà người tham gia được khám phá thiên nhiên, con người của vùng đất mới, mang nhiều lợi ích về mặt thể chất và tinh thần.Tuy nhiên hình thức du lịch này chỉ phù hợp với những người có sức khoẻ tốt.
Chuyến đi dài hay ngắn, độ mạo hiểm như thế nào sẽ do chính người tham gia quyết định. Đây cũng là một hình thức du lịch mới mẻ, phù hợp với giới trẻ.
Hào hứng chia sẻ về chuyến đi trekking mới nhất, chị Minh Vân (nhân viên văn phòng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Tôi có một nhóm bạn 4 người, thường xuyên rủ nhau đi Trekking tại một số ngọn núi đẹp ở Lào Cai, Yên Bái… Tuần trước, chúng tôi vừa mới tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù, Yên Bái. Mỗi lần đi leo núi là một lần chúng tôi thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam hơn”.
Kể về chuyến đi này, chị Vân cho biết, với phong cảnh đẹp cùng những mảng mây trắng bồng bềnh, Tà Chì Nhù (bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) là một điểm đến rất tuyệt. Chỉ có điều, con đường để chinh phục đỉnh núi này không hề đơn giản với cung đường leo lên dài khoảng 12km với toàn bộ đều là dốc.
Từng có kinh nghiệm đi trekking nhiều nơi, chị Minh Vân cho biết, điều cần chuẩn bị nhất trước khi đi leo núi đó chính là tăng cường thể chất, tránh tình trạng đuối sức, kiệt sức trong quá trình tham gia hành trình dài ngày.
“Mỗi lần leo lên đến đỉnh núi, cơ thể mệt và mất sức, thế nhưng khi lên được đến đỉnh núi, ngắm nhìn những làn mây thì chúng tôi ngỡ như đang đứng tại thiên đường, khung cảnh rất nên thơ”, chị Vân nói.
Cũng theo chị Minh Vân, Trekking thường diễn ra trên những con đường chưa được khám phá, đường núi gồ ghề hoặc biệt lập. Các điểm đến trekking hầu hết người tham gia phải tự chuẩn bị hành lý của mình, đi lại, ăn uống, đồng thời chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với tất cả những thử thách trong chuyến đi của mình.
Đây cũng được coi là hình thức du lịch kén người tham gia, chỉ những người thể lực tốt, sức bền cao mới có thể tham gia bộ môn này.
Điển hình, vào đầu tháng 10/2023, trong quá trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, khi đến độ cao khoảng 2.000m, ông N.T.T (61 tuổi, quê Hải Phòng) có biểu hiện chóng mặt, sau đó gục xuống và tử vong. Theo gia đình nạn nhân, ông T. có tiền sử bệnh huyết áp.
Chia sẻ kinh nghiệm về các chuyến đi Trekking, chị Minh Vân cho rằng trước mỗi chuyến đi leo núi, người tham gia cần phải hiểu rõ về sức khỏe của bản thân. Nên dành 20-30 phút mỗi ngày để chạy bộ và giãn cơ tránh nguy cơ chấn thương và đau cơ khi trải nghiệm.
Cần phải tìm hiểu các thông tin về địa điểm như độ cao, khí hậu, nhiệt độ, địa hình… chuẩn bị tốt các trang thiết bị cần thiết. Đối với những người lần đầu trải nghiệm bộ môn này, chúng ta nên thuê hướng dẫn viên du lịch, người dân bản địa để tránh lạc đường và những sự cố ngoài mong muốn khi tham gia.
Trong quá trình đi trekking, nếu bạn cảm thấy mệt, hãy dừng lại và hít thở đều, nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Trong quá trình leo đến đỉnh, nếu cảm thấy không cố gắng được nữa thì hãy dừng, nghỉ ngơi để sẵn sàng quay lại, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân.