Tạo“cú hích” cho du lịch
Mọi động thái tích cực của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan – từ khảo sát, đánh giá và xếp hạng, tích cực huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt vừa qua UBND tỉnh phê duyệt triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ tạo “cú hích” thật sự mạnh mẽ, bền vững để phát triển ngành kinh tế du lịch từ vốn di sản này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không đơn giản. Nhìn vào thực tế hiện nay, hiệu quả đóng góp của số di tích (lịch sử, văn hóa, danh thắng) hiện hữu trên địa bàn tỉnh đối với hoạt động du lịch chưa đáng kể và có lúc, có nơi rơi vào tình trạng bị lãng quên.
|
Nột thất trong Biệt điện Bảo Đại. |
Để đạt được mục tiêu dự án trên, ngoài nguồn lực tài chính không hề nhỏ bỏ ra để đầu tư, xây dựng thì tầm nhìn của chính quyền địa phương trong bài toán bảo tồn – phát huy di tích ở đây phải có sự thống nhất và xuyên suốt; ít nhất là về mặt nhận thức, rằng đó không đơn thuần là một dự án kinh tế, mà là một phức hợp các giá trị đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nghề ở mọi cấp độ chuyên môn nhằm tạo ra biến chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng kế thừa và sáng tạo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh
|
Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), giai đoạn 2016 – 2020, bình quân mỗi năm lượng khách đến tham quan du lịch tại Đắk Lắk nói chung chưa tới 725.000 lượt. Tổng doanh thu toàn ngành khoảng 54,5 tỷ đồng/năm. Trong đó số du khách đến với các di tích không nhiều, khoảng 420.000 – 450.000 lượt/năm. Những điểm đến di tích chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột như Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại và Đình Lạc Giao, do hiện vật, hình ảnh, tư liệu… chưa phong phú, hấp dẫn nên chưa thu hút được du khách quốc tế lẫn nội địa. Theo bà Lý Thị Hương Nhàn, Phòng Quản lý và phát huy di tích (Bảo tàng Đắk Lắk), du khách đến tham quan tại những di tích trên một lần và sau đó không có nhu cầu quay trở lại nữa là tâm lý gần như phổ biến, bởi sản phẩm du lịch ở đó không được đầu tư, đổi mới.
Đối với những di tích danh thắng cấp quốc gia như các thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng), Drai Sáp thượng và Drai Nur (huyện Krông Ana), Drai K’nao (huyện M’Drắk), thác Bìm Bịp và Hồ Lắk (huyện Lắk), thác Drai Dlông (huyện Cư M’gar)… chỉ thu hút du khách vào những dịp lễ, Tết với số lượng không nhiều, khoảng 2.000 – 3.000 lượt khách/năm. Đặc biệt có những di tích có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa như Tháp Chăm Yang Prông (huyện Ea Súp), Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc) và Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 – 1975 (huyện Krông Bông), số lượng du khách đến đây hằng năm không đáng kể, trừ một số trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh và sinh viên tìm hiểu, tham quan ngoại khóa.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: Để tạo “cú hích” phát triển du lịch từ vốn di sản này, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phải chung tay chia sẻ. Theo đó, chính quyền địa phương phối hợp với ban, ngành liên quan chủ động soạn “kịch bản” vừa cụ thể, phù hợp và khoa học; vừa toàn diện và có tính chất bao trùm để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.
|
Thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng) thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ. |
Việc UBND tỉnh phê duyệt và triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên. Được biết, từ nay đến năm 2025, đề án sẽ ưu tiên đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy 6 dự án/di tích tiêu biểu nhằm kích cầu du lịch. Trong đó 4 dự án do tỉnh thực hiện, gồm Nhà đày Buôn Ma Thuột; Khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk – Biệt điện Bảo Đại; Sở chỉ huy – Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 (huyện Ea H’leo); Nhà số 57 (nay là 71 Lý Thường Kiệt – TP. Buôn Ma Thuột) với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Hai dự án còn lại là Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975); Cụm danh thắng thác Drai Sáp thượng – Drai Nur do UBND huyện Krông Bông và Krông Ana thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó vai trò trọng tâm là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những dự án này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, xây dựng các mô hình trải nghiệm và đổi mới công nghệ trong việc xây dựng, giới thiệu, tương tác sản phẩm du lịch tại các di tích trên đến với du khách.
Với đường hướng này, cùng sự nỗ lực chung của cộng đồng, xã hội, hy vọng vốn di tích – đồng thời là tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ “sống lại” và phát huy một cách hài hòa, sinh động hơn, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Source :
Báo Đắk Lắk