Du khách Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài 277 tỷ USD trong năm 2018 và 255 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế…
Sau hai năm lao đao vì Covid-19, các nhà hàng, trung tâm mua sắm khắp châu Âu đang chào đón du khách trở lại, nhưng với sự khác biệt lớn. Đó là du khách Trung Quốc – nằm trong nhóm du khách tiêu nhiều tiền nhất trước đại dịch – giờ đây gần như vắng bóng.
Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra tại Đông Nam Á – nơi nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đang ráo riết mở cửa trở lại. Những bãi cát trắng ở Philippines hay các chợ đêm ở miền Bắc Thái Lan đều rơi vào cảnh đìu hiu.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới khi tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “không Covid” (zero Covid) với các biện pháp cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt. Quốc gia 1,4 tỷ dân hiện là nơi duy nhất trên thế giới tiếp tục duy trì chiến lược này.
Với người dân nước này, việc du lịch nước ngoài gần như không được nghĩ tới bởi vì họ sẽ phải cách ly nhiều tuần tại khách sạn sau khi trở về và cũng không có nhiều lựa chọn chuyến bay. Ngoài ra, nỗi lo Covid-19 cũng là một nhân tố khiến người dân Trung Quốc ngại du lịch nước ngoài bởi mỗi khi phát hiện ca nhiễm, một loạt biện pháp phòng dịch hà khắc được kích hoạt trên diện rộng.
Với các điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, đây là vấn đề lớn. Du khách Trung Quốc chi tiêu ở nước ngoài 277 tỷ USD trong năm 2018 và 255 tỷ USD trong năm 2019, chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế, theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO).
Khi đại dịch bùng phát năm 2020, chi tiêu của du khách Trung Quốc ở nước ngoài đã giảm xuống chỉ còn 130,5 tỷ USD, trong đó hầu hết vào trước tháng 3 – khi mà phần lớn các quốc gia trên thế giới bắt đầu đóng cửa để kiểm soát dịch.
Giờ đây, con số này thậm chí còn thấp hơn. Dữ liệu của UNWTO cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, chi tiêu nước ngoài của du khách Trung Quốc đã giảm 61% so với cùng kỳ năm 2019.
“Khó có thể dự báo khi nào chúng ta sẽ lại được đón du khách Trung Quốc”, Imke Wouters, đối tác tại Hồng Kông, phụ trách khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á, của hãng tư vấn Oliver Wyman, nói. “Kể cả khi các nước mở lại biên giới và miễn cách ly, ngành du lịch vẫn sẽ mất một thời gian mới có thể phục hồi hoàn toàn bởi chỉ có một lượng nhỏ du khách sẽ lập tức ‘xách ba lô lên và đi’”.
Theo các nhà phân tích, dù đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc từ bỏ chiến lược zero Covid, việc nới lỏng kiểm soát nhập cảnh và các hạn chế khác chưa thể được thực hiện trước năm 2023.
Trong một báo cáo vào tháng 8 năm ngoái, McKinsey & Co. dự báo hoạt động du lịch quốc tế từ Trung Quốc có thể tiếp tục đóng băng tới 18 tháng. Còn Goldman Sachs dự báo Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh trong cả năm nay và thậm chí có thể kéo dài sang mùa xuân năm 2023 bởi số ca lây nhiễm thường tăng lên trong các tháng mùa đông.
Hồng Kông là một trong những nơi chịu tác động lớn nhất khi có nguy cơ mất vị thế là trung tâm kinh doanh toàn cầu. Bản thân đặc khu này cũng đang duy trì chiến lược zero Covid.
Dữ liệu từ UNWTO và Ủy ban Du lịch Hồng Kông cho thấy năm 2018, khoảng 51 triệu du khách, tức hơn 3/4 tổng khách du lịch tới Hồng Kông, là từ Trung Quốc đại lục.
Trên toàn cầu, Hồng Kông là điểm đến số 1 của du khách Trung Quốc năm 2018, chiếm 33% trong gần 145 triệu khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài năm đó. Nhóm này đã mang về khoảng 27 tỷ USD cho nền kinh tế Hồng Kông.
Theo sau là kinh đô sòng bạc Macau với tỷ lệ 17%, tương đương 25,3 triệu du khách Trung Quốc năm 2018. Thái Lan là điểm du lịch lớn thứ ba của khách du lịch Trung Quốc năm đó với 16,9 triệu lượt, mang về doanh thu khoảng 16,1 tỷ USD.
Trước đại dịch, Hàn Quốc – quê hương của Kpop và công nghệ thẩm mỹ hiện đại, thu hút đông đảo khách Trung Quốc. Năm 2018, khoảng 4,8 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới quốc gia này, tăng 15% so với năm 2017, và chi tiêu khoảng 8,9 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
“Trước đại dịch, gần 70% du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc qua các chương trình tham quan theo đoàn. Giờ đây, doanh thu bằng 0”, Cho Il-sang, đại diện hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc Hana Tour Service, cho biết. “Nhiều nhân viên của chúng tôi đã nghỉ việc và làm công việc giao hàng”.
Tại Campuchia, Christian de Boer – giám đốc khách sạn Jaya House tại Siem Reap, cho rằng du khách Trung Quốc sẽ chưa trở lại cho tới năm 2023. Ông ước tính khách Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng du khách tới Campuchia. Jaya House đã đóng cửa 2 khách sạn trong chuỗi và hiện duy trì một khách sạn với công suất nhỏ hơn..
Điều này cũng xảy ra ở bên kia bán cầu. Ở Venice, thành phố của Italy từng đông du khách tới mức gây ô nhiễm nguồn nước và tắc nghẽn, giờ đây vắng bóng nhóm du khách Trung Quốc quen thuộc.
“Trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc như một dòng chảy liên tục và rất lớn”, Renato Costantini, giám đốc một cửa hàng cà phê có lịch sử từ năm 1720 tại Venice, cho biết. “Hầu hết họ đi theo đoàn lớn và chi tiêu rất nhiều”.
Ông Filippo Frank, chủ khách sạn Hotel Villa delle Rose – hoạt động từ năm 1979 ở Rome, cho biết khách Trung Quốc trước đại dịch cũng gồm nhiều khách lẻ, người thuộc tầm lớp trung lưu và người trẻ.
“Tuy nhiên sau năm 2020, họ đã biến mất. Chúng tôi đã mở cửa lại từ tháng 9/2020 sau đợt phong tỏa, nhưng từ đó đến nay không thấy khách du lịch nào đến từ Trung Quốc. Tất nhiên, khách Trung Quốc không đông như khách châu Âu và châu Mỹ, nhưng đây ttừng được coi là nguồn khách tốt và đang có xu hướng tăng lên”.
Trong bối cảnh này, một số quốc gia đang bắt đầu tìm cách thu hút các nguồn khách khác để bù đắp cho sự thiếu vắng khách Trung Quốc. Trong đó, Maldives đã tăng gấp đôi đầu tư cho tiếp thị để hút khách du lịch từ những nơi như: Australia, Ấn Độ.
Còn tại Thái Lan, Piyasvasti Amranand, chủ tịch Thai Airways International cho biết phần lớn lưu lượng khách quốc tế tới nước này là từ châu Âu.
“Chúng tôi không tính Trung Quốc vào kế hoạch năm nay của mình”, ông Amranand nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Ở Phuket, hiện chỉ khoảng 30% khách sạn mở cửa. Phần lớn những khách sạn phụ thuộc vào khách Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại.
“Phuket phụ thuộc nặng nề vào khách Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm trước đại dịch”, Angkana Tanetvisetkul, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Kata Karon – đại diện cho hơn 40 khách sạn thuộc sở hữu của người bản địa ở Phuket, cho biết.
Theo Amnart Daungsing, chủ hai nhà nghỉ và cũng là người điều hành Hiệp hội Du lịch Chiang Mai, sau khi bộ phim hài Trung Quốc Lost in Thailand (Lạc lối ở Thái Lan) phát hành năm 2012, điểm du lịch Chiang Mai, Thái Lan bắt đầu nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách từ quốc gia tỷ dân. Du khách Trung Quốc chiếm tới 80% hoạt động kinh doanh của Daungsing. Ông thậm chí thuê gia sư về dạy tiếng Trung Quốc cho ông và nhân viên để có thể giao tiếp tốt hơn với khác.
Làn sóng du khách Trung Quốc đã khiến một loạt doanh nghiệp nhỏ mọc lên như nấm tại Chiang Mai. Tuy nhiên, giờ đây hơn một nửa trong số này đã ngừng hoạt động. Daungsing cũng phải buộc đóng cửa các nhà nghỉ của mình và làm các việc trái nghề như bán sầu riêng trên mạng.
“Covid-19 thực sự là liều thuốc độc với nhiều doanh nghiệp”, Daungsing nói. “Tôi muốn quay lại vận hành nhà nghỉ nhưng không thể mong đợi khách Trung Quốc sẽ quay lại nữa”.