Định vị bằng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu
Mới đây, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã công bố kết quả của Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc (Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội). Được biết, hoạt động này thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022 – 2024).
Kết thúc hành trình, Ban Tổ chức đã bước đầu lựa chọn, đưa vào danh sách khảo sát, nghiên cứu sâu một số món ăn, món uống được xem là di sản lịch sử và văn hóa ẩm thực vùng Sơn Nam Hạ.
Đó là, phở bò, bún đũa, cá đốt rơm, xôi kê – bánh đa, kẹo Sìu Châu, mâm cỗ Ngọc Đền Gin, rượu Thiên Trường, muối phơi trên cát Hải Lý (Nam Định); Cá kho Vũ Đại, canh rau sắng (Hà Nam); Cá bỗng rượu, măng rừng xào thịt gác bếp, đậu chiên trà xanh, bánh lá ngải, chè Thái Hà, rượu nếp Thái Hải (Thái Nguyên); Chả cốm, xôi Phú Thượng, bún ốc nguội, chả nem, bún chả (Hà Nội). Dựa trên đây, các nghệ nhân, đầu bếp có thể nghiên cứu sâu hơn về các món ăn, các nguyên liệu địa phương để có những cải tiến, ứng dụng trong thực tế bảo tồn và phát huy những giá trị của các món ăn.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực VCCA, Trưởng ban Tổ chức khẳng định: “Đây có thể coi là dấu ấn, tín hiệu đáng mừng thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc thuần Việt đến người dân và cộng đồng quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong và ngoài nước”.
Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, điểm đến đều có những đặc sản đặc trưng và phong cách ẩm thực riêng, được tạo nên bởi những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống riêng. Do đó, mỗi địa phương tự tìm hiểu, khai thác thế mạnh di sản văn hoá ẩm thực tiêu biểu sẽ chiếm thế chủ động trong việc phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực gắn với vùng, miền đó. Nỗ lực này góp chung vào việc xây dựng bản đồ ẩm thực quốc gia đa dạng, hấp dẫn, đặc sắc để quảng bá tới bạn bè quốc tế cũng như thu hút du khách nội địa.
“Chìa khóa” tương tác
Kinh nghiệm từ các quốc gia hay điểm đến phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới đều cho thấy những trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn có thể khiến du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn khi du lịch tại điểm đến.
Đơn cử, một khảo sát trước dịch của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới World Food Tourism Association (WFTA), du khách quốc tế dành từ 15 – 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch của mình. Phần lớn du khách quốc tế tin rằng khám phá ẩm thực địa phương là cách tốt nhất để hiểu được giá trị văn hóa bản địa.
Dù nền ẩm thực Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và đã được bạn bè quốc tế biết đến, nhưng để du lịch ẩm thực trở thành động lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam thì vẫn còn rất nhiều thách thức. Trước tiên, du lịch ẩm thực Việt Nam phải trở nên khác biệt so với các quốc gia trong khu vực. Điều này đòi hỏi một chiến lược bài bản và lộ trình rõ ràng từ các nhà quản lý.
Việc xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu gắn với các tỉnh, thành, vùng, miền mới chỉ là bước đầu tiên nhưng lại là nền tảng cực kỳ quan trọng. Vì chỉ khi xác định được đặc trưng ẩm thực của địa phương thì người làm du lịch mới có thể tư duy phát triển sản phẩm, các nhà quảng bá mới có thể làm tốt công việc thông tin đến cho du khách về những chuyện thú vị đằng sau từng món ăn, thức uống, phong cách ẩm thực cá biệt tại điểm đến.
Mỗi du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon miệng, đậm đà bản sắc địa phương mà còn có thể hiểu hết được giá trị của món ăn đó, thậm chí có thể tham gia vào hành trình tạo nên món ăn đó. Hướng đi này đã làm nên thành công của ngành du lịch ẩm thực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hy vọng qua đó ẩm thực Việt Nam có thể trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong giai đoạn hồi phục hậu đại dịch.