Thời gian qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có những chỉ số khả quan. Tuy nhiên, với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 thì những gì mà ngành du lịch đạt được thời gian qua vẫn khá khiêm tốn. Điều này đòi hỏi toàn ngành du lịch cần có những định hướng, kế hoạch hành động mang tính chiến lược lâu dài.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; có giải pháp phù hợp, hiệu quả tăng cường thu hút khách quốc tế.
Tìm cách níu chân du khách
Có thế nói, nhiệm vụ đặt ra với ngành du lịch rất lớn, đặc biệt là với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trước đại dịch Covid-19, cũng như so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Do đó, các đơn vị tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quảng bá. Trong đó, cần tăng cường kết nối và hợp tác công tư, thu hút các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không triển khai đồng bộ các hoạt động; tạo thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh…
“Kiên trì và năng động hơn, đó là giải pháp tối ưu lúc này để đưa khách du lịch đến Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng được thương hiệu, sản phẩm độc đáo, kèm theo đó là đảm bảo chất lượng, cung cách phục vụ để níu chân du khách” – ông Khánh nói.
Được biết, để tháo gỡ những điểm nghẽn để ngành du lịch hoàn thành chỉ tiêu, từ nay tới cuối năm sẽ có nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến để thu hút mạnh mẽ hơn khách quốc tế đến Việt Nam. Đó là: Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam trong Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Diễn đàn Du lịch Mê Kông được tổ chức tại Quảng Nam; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam – Singapore diễn ra tại TP Hồ Chí Minh; Hội nghị hợp tác du lịch song phương Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Đà Nẵng; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng như: Hội chợ WTM tại London (Anh); Hội chợ Travex bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia; Hội chợ ITB tại Berlin, Đức… Các chương trình đón các đoàn famtrip, presstrip nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số.
Không để đuối sức
Mới đây Tổng cục Du lịch đã làm việc với kênh truyền hình CNN về việc quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao cũng vừa lựa chọn trò chơi điện tử “Lạc Việt phiêu lưu ký” (Lac Viet Adventures) là sản phẩm quảng bá trong chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra lần lượt tại Áo, Ấn Độ, Hàn Quốc. Đây là sản phẩm trí tuệ thú vị được thực hiện bởi những người trẻ đưa người chơi nhập vai thành du khách để khám phá những địa danh, kho tàng văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, để thay đổi toàn diện “ngành công nghiệp không khói” tại Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, phát triển bền vững không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Chỉ riêng việc tăng trưởng về lượng khách nội địa và quốc tế trong thời gian qua đã cho thấy hệ thống khách sạn thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân viên buồng phòng. Những trung tâm du lịch lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân viên buồng phòng trong những ngày cuối tuần. Theo dự tính của các chuyên gia du lịch, trong năm 2023, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, thị trường du lịch quốc tế sẽ sôi động hơn, đồng nghĩa với việc các khách sạn cần nhiều nhân lực hơn…
Một trong những “nút thắt” từng được những ngành du lịch đề cập nhiều lần là chính sách visa. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đồng loạt mở cửa du lịch sau đại dịch và đều chú trọng áp dụng những giải pháp mang lại thuận lợi nhằm hút khách, du lịch Việt Nam càng cần có chính sách thị thực thông thoáng, cởi mở trên cơ sở mở rộng diện miễn thị thực cũng như thời gian miễn thị thực để nâng cao sức cạnh tranh du lịch. Bên cạnh đó, để tránh đi theo “lối mòn” việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần phải đảm bảo “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và không để bị đuối sức vào những thời gian cao điểm.
Theo Giám đốc Công ty lữ hành New World Travel Đặng Thanh Tùng, bắt đầu từ tháng 10 là mùa “nở rộ” của khách du lịch quốc tế nhưng để thu hút đối tượng khách này cần có những chiến lược quảng bá, giới thiệu bài bản về một điểm đến an toàn, hấp dẫn sau dịch Covid-19; Đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực và kéo dài thời gian thị thực… Ngoài ra, trước mắt có thể khai thác thị trường Trung Đông và Ấn Độ trước khi khôi phục lại thị trường trọng điểm truyền thống.
“Để du lịch Việt Nam thăng hạng, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng trong xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, để các địa phương cùng tham gia trong các hội chợ du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế vào Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế” – ông Tùng bày tỏ.
TS Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng:
Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc
Chúng ta cần thúc đẩy đổi mới, chuyển đổi số, đó là xu hướng bắt buộc. Cách xúc tiến truyền thống vẫn làm nhưng phải thêm hướng tiếp cận, vẫn tiếp tục hoạt động xúc tiến truyền thống để thu hút khách hàng tiềm năng. Hướng tiếp theo là xúc tiến các nền tảng công nghệ số, đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng. Hiện cơ sở dữ liệu, các nền tảng số về du lịch ở Việt Nam còn rất thấp, phải sớm thay đổi việc này. Công nghệ số sẽ xây dựng và chào bán sản phẩm, tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng các thông tin sản phẩm, cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch với chính sách giá hợp lý nhất, quản lý chất lượng dịch vụ và làm du khách hài lòng, mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ:
Đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Đông
Hiện nay Trung Đông là nhóm khách hàng mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam do có mức chi tiêu cao khi đi du lịch, đây cũng là thị trường mới nổi trong những năm gần đây của Vietravel và cả ngành du lịch. Du khách ở thị trường này quan tâm tới những điểm đến mới, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta nắm bắt cơ hội quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến với chiến lược phù hợp sẽ tận dụng được cơ hội. Đối với doanh nghiệp, sắp tới Vietravel cũng sẽ phối hợp cùng các Đại sứ quán Việt Nam tổ chức các đoàn presstrip và famtrip đến Việt Nam vào quý III, đồng thời triển khai sự kiện xúc tiến du lịch tại 1 trong 4 nước trong tháng 10/2022.