Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thuộc Liên hợp quốc, trong kịch bản tốt nhất, 95% số lượng khách du lịch trước đại dịch sẽ quay trở lại vào cuối năm nay.
Theo UNWTO, 700 triệu người đã đi du lịch quốc tế từ tháng 1 đến 7 năm nay, tăng 43% so với cùng kỳ 2022 và bằng 84% so với năm 2019. Trung Đông, châu Âu và Phi dẫn đầu sự phục hồi. Trong đó Trung Đông là khu vực duy nhất đón lượng khách vượt năm 2019, cao hơn 20%.
Châu Âu đón lượng khách bằng 91% so với cùng kỳ trước dịch, phần lớn khách đến từ trong khối EU và Mỹ. Châu Phi phục hồi 92% và châu Mỹ đứng thứ 4 với mức phục hồi đạt 87%.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, tốc độ phục hồi đạt 61%. UNTWO đánh giá sự phục hồi này “rất nhanh” so với 2022 nhờ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và mở cửa trở lại.
Tháng 7 là tháng cao điểm nhất với hơn 145 triệu khách quốc tế được ghi nhận, chiếm 20% tổng số khách đi du lịch thế giới trong 7 tháng. “Dữ liệu một lần nữa cho thấy du lịch đang phục hồi mạnh mẽ ở mọi nơi trên thế giới”, Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết.
Từ những tín hiệu tích cực hiện tại, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF chỉ ra rằng, sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch sẽ mang lại tác động tích cực đối với một số nền kinh tế trên thế giới. Đồng thời, IMF khẳng định, du lịch một lần nữa được xác định là động lực chính cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ước tính 3,0% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024. Mặc dù con số này cao hơn dự báo trước đó nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,5% được ghi nhận vào năm 2022. Đó đó chỉ ra những tác động liên tục của đại dịch và cuộc xung đột trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo của WEO phân tích, tăng trưởng kinh tế ở mọi khu vực trên toàn cầu, kết nối hiệu quả hoạt động với các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả du lịch. Đáng chú ý, những nền kinh tế có “lĩnh vực du lịch và lữ hành lớn” cho thấy khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ và mức độ hoạt động kinh tế mạnh mẽ.
Cụ thể hơn, các quốc gia nơi du lịch chiếm tỷ lệ cao trong GDP đã ghi nhận sự phục hồi nhanh hơn sau tác động của đại dịch so với các nền kinh tế nơi du lịch không phải là ngành quan trọng. “Nhu cầu dịch vụ mạnh mẽ đã hỗ trợ các nền kinh tế định hướng dịch vụ – bao gồm các điểm đến du lịch quan trọng như Pháp và Tây Ban Nha”, báo cáo của WEO viết.
Triển vọng mới nhất của IMF được đưa ra dựa trên phân tích gần đây nhất của UNWTO về triển vọng của du lịch ở cấp độ toàn cầu và khu vực.
Trong khi chờ công bố Phong vũ biểu Du lịch Thế giới tháng 11 năm 2023, du lịch quốc tế đang trên đà đạt 80% đến 95% mức trước đại dịch vào năm 2023. Triển vọng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2023 cho thấy tiếp tục phục hồi, do nhu cầu vẫn bị dồn nén và tăng cường kết nối hàng không, đặc biệt là ở Châu Á và Thái Bình Dương, nơi quá trình phục hồi vẫn còn chậm chạp.