Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ASEAN Tourism Forum – ATF) về việc mở rộng quan hệ hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Agoda – nền tảng du lịch kỹ thuật số toàn cầu – đã công bố tăng khoản hỗ trợ lên gấp 4 lần cho WWF.
Trong khuôn khổ chương trình chính thức của ATF, với sự hiện diện của đại diện Bộ trưởng Bộ Du lịch và Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Omri Morgenshtern – CEO Agoda và bà Elizabeth Clarke – Giám đốc Bảo tồn của WWF-Singapore, đã trình bày về tầm nhìn và mục tiêu hợp tác.
Theo đó, nền tảng du lịch kỹ thuật số toàn cầu có trụ sở tại Singapore sẽ tăng gấp 4 lần số tiền đóng góp cho WWF, lên tới 1 triệu USD trong Chương trình Ưu đãi sinh thái 2024, hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn của các văn phòng đại diện WWF tại 8 quốc gia, bao gồm cả nước chủ nhà ATF là Singapore, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Khoản đóng góp này nhằm bảo tồn biển, rừng và động vật hoang dã, trong đó có việc bảo vệ hổ ở Malaysia, cá mập voi ở Philippines và voi ở Thái Lan.
Khoản hỗ trợ trong năm nay tập trung vào bảo tồn Sao la ở Việt Nam, phục hồi hệ sinh thái ở Indonesia, hỗ trợ kiểm lâm ở Campuchia và cải thiện đất ngập nước đô thị ở Lào.
Ông Vivek Kumar, Tổng giám đốc WWF-Singapore, chia sẻ: “Báo cáo Sức sống hành tinh mới nhất của WWF cho thấy quần thể các loài hoang dã đã giảm 69% kể từ năm 1970. Với tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, WWF-Singapore ở một vị trí thuận lợi để thúc đẩy sự thay đổi tích cực tại Đông Nam Á. Những tác động bảo tồn tích cực trong hai năm vừa qua đã chứng minh được tính hiệu quả của các chương trình hợp tác môi trường của chúng tôi. Bước sang năm thứ 3 hợp tác với Agoda, chúng tôi mong muốn có thể mở rộng các dự án bảo tồn sang các lĩnh vực biển, rừng và động vật hoang dã”.
Các dự án bảo tồn của WWF được hỗ trợ trong phiên bản thứ hai của Chương trình Ưu đãi sinh thái đã đạt được một số thành công đáng chú ý tại các quốc gia ASEAN.
Cụ thể: Singapore đã tổ chức 5 buổi tập huấn Chương trình Cyber Spotters dành cho tình nguyện viên, trang bị kỹ năng cho 156 người, giúp nhận diện hơn 6.000 danh sách buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.
Tạu Campuchia, tổng cộng 41 kiểm lâm chính phủ và 42 kiểm lâm cộng đồng đã được đào tạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật, thực hiện 299 cuộc tuần tra trên hơn 17.000km tại các khu bảo tồn Srepok và Phnom Prich, phát hiện 13 địa điểm khai thác gỗ và săn bắn trái phép.
Ở Indonesia, tổng diện tích 142,39ha rừng đã được phục hồi thông qua các hoạt động trồng cây cùng cộng đồng địa phương và các bên liên quan; triển khai 28 camera giám sát để giám sát động vật hoang dã, ghi lại hình ảnh hiếm hoi của một cá thể Hổ Sumatra trưởng thành và 2 con non.
Ở Malaysia, 20 đội gồm 116 người đã tuần tra rừng Belum-Temengor trong 2.849 ngày, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp không ghi nhận có bẫy đặt trong rừng. 282 camera cũng được lắp đặt tại 141 vị trí trong khu vực để theo dõi các loài hoang dã.
Còn tại Việt Nam, hiện có kế hoạch trang bị GPS và điện thoại thông minh sử dụng SMART Connect và SMART Mobile cho tuần tra. Các khóa đào tạo đã được lên kế hoạch để hướng dẫn 90 kiểm lâm và nhân viên kỹ thuật tại Vườn quốc gia Yok Don và Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk về cách sử dụng công nghệ SMART trong quá trình tuần tra nhằm quản lý và bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng tốt hơn.