Hồ Ea Kao không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nguồn sinh kế, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Cách trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) hơn 8km, hồ Ea Kao đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách trong thời gian qua. Với vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành và sự yên bình, hồ Ea Kao được ví như “viên ngọc xanh” giữa lòng thành phố.
Ông Y Bhiu Byă, Trưởng buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) cho biết, hồ Ea Kao, theo tiếng của người dân tộc Ê Đê, có nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn. Hồ được hình thành từ việc chặn hai dòng suối Ea Knin và Ea Kao, cùng một số suối nhỏ như Ea Chăt và Cư Mblim,… để xây dựng công trình thủy lợi.
“Sau giải phóng năm 1975, khu vực hồ Ea Kao chỉ là khu đất hoang sơ với rừng rậm rạp. Sau này, Nhà nước đã triển khai đắp hồ Ea Kao để phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho các cánh đồng. Theo đó, vào khoảng năm 1978, hàng nghìn người dân trong tỉnh đã huy động đến đây để phát dọn, đốt, đào đất đắp hồ và đưa vào khai thác từ năm 1983. Đây cũng là hồ nhân tạo lớn của tỉnh”, ông Y Bhiu nói.
Đến năm 2012, hồ Ea Kao được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Để phát triển tiềm năng du lịch nơi đây, Nhà nước đã có nhiều chủ trương đầu tư cho các hạng mục của hồ. Đặc biệt, vào tháng 10/2019, Điểm Du lịch văn hóa Ea Kao chính thức khai trương, đánh dấu một bước phát triển mới. Mới đây, toàn bộ các tuyến đập cũng đã được nâng cấp, mở rộng, tạo nên diện mạo mới cho hồ Ea Kao.
Tận dụng nguồn nước phong phú của hồ, nhiều năm qua, một người dân tại Tp.Buôn Ma Thuột đã biến vùng đất khô cằn bên cạnh hồ thành cánh đồng hoa đủ sắc màu. Qua đó, không chỉ tạo điểm nhấn cho khu vực mà còn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.
Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của hồ Ea Kao, bà Bùi Thị Luyến (trú tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) chia sẻ: “Trước đây, hồ Ea Kao là vùng đất heo hút, ít người qua lại. Tuy nhiên, từ khi khu vực này trở thành điểm du lịch văn hóa, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn thu hút đông đảo du khách. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hơn thế, giá cả đất đai trên địa bàn cũng tăng lên, giúp cho đời sống của người dân ngày càng khá giả hơn”.
Ông Hoàng Đức Long (trú tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, trừ những ngày mưa to gió lớn, tôi đều ra hồ Ea Kao đánh bắt cá vào mỗi đêm. Trung bình mỗi đêm, tôi bắt được từ 10-20kg cá các loại như cá rô phi, cá chép, cá trôi, cá trắm, cá mè… Nhờ vậy, mỗi ngày gia đình tôi có thêm thu nhập từ 200-500.000 đồng”.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho hay, hồ Ea Kao có diện tích mặt nước khoảng 340ha. Không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hồ Ea Kao đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn từ việc đánh bắt cá, mò hến. Đặc biệt, hồ Ea Kao còn thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, góp phần thúc đẩy du lịch tại địa phương.
Cùng với tiềm năng du lịch của hồ Ea Kao, vào tháng 10/2024 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) là điểm đến du lịch cộng đồng. Từ đó, giúp địa phương thu hút nhiều đoàn khách từ trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học hỏi.
Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh và thành phố, ông Độ khẳng định, trong thời gian tới, xã Ea Kao sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái tại hồ Ea Kao, buôn du lịch cộng đồng. Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Xã Ea Kao có tổng diện tích tự nhiên 4.692ha, với 4.137 hộ, với 19.088 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực, chiếm tỉ lệ 80% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của xã. Năm 2023, xã Ea Kao được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên; tỉ lệ nghèo đa chiều chỉ 1,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60,5 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, chất lượng cao gắn với du lịch trải nghiệm được tập trung đầu tư, thực hiện…