Rất nhiều khách sạn đang “trải thảm đỏ” để đón chào những du khách đã bị giữ chân ở nhà quá lâu trong suốt 2 năm qua.
Nancy Zhang – người quản lý ở đây rất quan tâm đến việc đích thân hỏi ý kiến phản hồi của khách về trải nghiệm tại Adina. Cuối tháng 6 vừa qua, Adina được đưa vào hoạt động với 88 phòng lưu trú.
Các căn hộ được vận hành bởi Far East Hospitality của Singapore. Tháng trước, đơn vị này đã tặng phiếu ăn uống trị giá 72 USD cho khách hàng – dấu hiệu cho thấy nỗ lực nhằm thu hút du khách của họ. Trong suốt thời gian đại dịch, việc không có khách du lịch và các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của nước này.
Arthur Kiong – CEO của Far East Hospitality, cho biết: “Cách đi du lịch của nhiều người sau đại dịch đã thay đổi. Họ có xu hướng đi ít chuyến hơn nhưng ở lại dài ngày hơn và đi cùng gia đình hoặc bạn trai/bạn gái”.
Tại huyện đảo Koh Lanta của Thái Lan, Pimalai Resort and Spa 5 sao đang giảm giá tới 30% cho những du khách tìm nơi nghỉ dưỡng gần các bờ biển. Những vị khách đặt phòng trước từ 7 đến 13 ngày so với ngày nhận phòng sẽ được giảm giá 20%. Trong khi đó, nếu đặt trước 30 ngày trở lên, tỷ lệ giảm giá sẽ là 30%.
Bên cạnh đó, Pimalai Resort cũng triển khai chương trình ở 5 đêm thanh toán 4 đêm với những du khách đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Gói này còn bao gồm bữa sáng hàng ngày và miễn phí di chuyển hai chiều bằng đường bộ và đường biển từ sân bay quốc tế Krabi.
Charintip Tiyaphorn, chủ sở hữu của Pimalai cho biết: “Bằng cách cung cấp đêm nghỉ miễn phí và giảm giá đáng kể, chúng tôi hy vọng rằng mọi du khách có thể tối đa hóa thời gian của họ và tận hưởng những trải nghiệm trọn vẹn hơn nữa”.
Có thể nói, rất nhiều khách sạn trong khu vực Đông Nam Á đang “trải thảm đỏ” để đón chào những du khách đã bị giữ chân ở nhà quá lâu trong suốt 2 năm qua. Họ tung ra hàng loạt chiến dịch marketing để thu hút du khách. Ví dụ, tại Bali, khu nghỉ mát của InterContinental đã giới thiệu chương trình khuyến mại hấp dẫn với du khách đặt phòng dài ngày hơn. Bên cạnh đó, chuỗi khách sạn này còn giảm giá 20% tại nhà hàng, quán ăn cũng như dịch vụ giặt là của mình.
Thế nhưng, theo Nikkei, khó có gì đảm bảo những nỗ lực trên sẽ thành công lớn. Các hạn chế về nhập cảnh có thể đã được nới lỏng, cho phép du lịch hồi sinh, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc hoàn toàn.
CBRE – công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ, đã cảnh báo về khó khăn đối với các khách sạn trong năm nay trong một báo cáo được công bố vào quý I/20222. Một vấn đề đáng lưu ý là nhu cầu đi lại có khả năng sụt giảm do chi phí nhiên liệu cao.
Nghiên cứu của CBRE cũng chỉ ra rằng một số khách sạn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc khôi phục lại lực lượng lao động. Trước đó, họ đã buộc phải sa thải nhân viên do ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều người mất việc đã chuyển sang công việc khác như bán lẻ để được trả lương cao hơn và có điều kiện làm việc ổn định hơn.
Mặc dù vậy, các khách sạn trong khu vực vẫn đang nỗ lực hết sức để vực dậy hoạt động kinh doanh bị đình trệ vì dịch bệnh.
Michael Marshall – giám đốc thương mại của một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Malaysia, cho biết: “Đã có sự tập trung mạnh mẽ vào các chiến dịch marketing ở từng khu vực để tối đa hóa lợi nhuận. Du lịch dài ngày hơn hay đi cùng nhiều người hơn là xu hướng đang diễn ra hiện nay và được dự đoán sẽ tiếp tục trong thế giới hậu đại dịch”.
Trong khi đó, tại châu Âu, giá phòng tăng trong mùa hè này đã giúp nhiều khách sạn ở các thành phố lớn đạt mức lợi nhuận cao hơn so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Kết quả này dựa trên phân tích mới nhất của STR – một công ty chuyên cung cấp dữ liệu cho khách hàng trong lĩnh vực lưu trú.
Cụ thể, các bất động sản ở Berlin đã được hưởng lợi nhiều từ hoạt động kinh doanh tăng đột biến vào mùa hè với tổng lợi nhuận hoạt động trên mỗi phòng trống (GOPPAR) đạt 34,32 USD trong tháng 7, tăng 83% so với cùng thời điểm này vào năm 2019.
Công ty quản lý du lịch CWT dự đoán rằng giá phòng lưu trú trên toàn cầu có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm và kéo dài sang cả năm 2023 trong bối cảnh du lịch hồi phục và tình trạng bão giá ở nhiều nơi trên thế giới.
Cũng theo dữ liệu của STR, sau 2 năm đại dịch, giá phòng trung bình năm 2022 đã tăng 23% tại Ý, 21% tại Ireland và 17% tại Tây Ban Nha. Giá thuê trên Airbnb đã tăng 40% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2019. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ còn tăng cao vào năm sau. Theo đó, giá khách sạn tại một số quốc gia du lịch nổi tiếng như Hy Lạp, Croatia có thể tăng thêm 25%.
Nguồn: Nikkei, CNN