Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải áp dụng các giải pháp phục hồi du lịch an toàn và bền vững. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, an toàn ở tuyến điểm, trong chuỗi dịch vụ, trong tổ chức điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát.
Du khách đến tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong
“Hộ chiếu vaccine” sẽ mở lối cho du lịch
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để có thể thành công trong việc mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần khôi phục nhanh các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, để mở cửa đón khách du lịch cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch an toàn, đáp ứng được những tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương và địa phương. Điểm nhấn là các điểm đến an toàn, hành trình an toàn cùng với các dịch vụ an toàn”, ông Bình nhấn mạnh.
“Khi mở đón khách, các doanh nghiệp du lịch là những đơn vị thuộc tuyến đầu, có những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch, vì vậy việc bảo đảm an toàn, thuận lợi cho khách du lịch và người lao động tham gia phục vụ khách cũng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới là hết sức quan trọng. Theo đó, người lao động trong lĩnh vực du lịch cần tiêm đủ 2 mũi vaccine, được đào tạo về quy chuẩn an toàn… để giải quyết sự cố khi xảy ra các tình huống của dịch COVID-19”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Công ty du lịch Vietravel cho rằng quy trình an toàn là vấn đề quan trọng nhất khi đón khách quốc tế trở lại. Các địa phương, doanh nghiệp cần áp dụng quy trình đón khách linh hoạt, phù hợp với thực tế nhưng mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho du khách. Cần rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa bảo đảm an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện..
Các tỉnh, thành phố chủ động kết nối để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm du lịch an toàn khép kín, loại hình sinh thái, hướng về thiên nhiên. Trong đó các sản phẩm du lịch kết nối xác định được 5 tiêu chí “xanh”, gồm thẻ thông hành xanh (du khách), doanh nghiệp xanh (kể cả người lao động), hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh.
Theo Vietravel, điều kiện cần nhất hiện nay là kết nối thông suốt lại giao thông liên tỉnh, liên vùng về hàng không, đường bộ, đường sắt… vì bản chất du lịch là di chuyển và không giới hạn về mặt không gian.
Bà Huỳnh Thị Tường Vân, Giám đốc Vietnam Airlines khu vực miền Trung cho rằng, hiện nay, chiến lược “hộ chiếu vaccine” được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn và mở lối đi cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ và hàng không, thích ứng với điều kiện “bình thường mới”.
Hiện, Vietnam Airlines đã thực hiện thí điểm nối lại nhiều đường bay nội địa, tiến tới thực hiện các chương trình thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại một số thành phố, địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam ngay từ giai đoạn cuối năm 2021.
Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ đồng hành cùng với các địa phương, các cơ sở du lịch trong lộ trình mở cửa du lịch, thực hiện các biện pháp kích cầu, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến với quốc tế.
Để thực hiện việc mở cửa an toàn và hiệu quả, Vietnam Airlines cũng mong muốn Tổng cục Du lịch, liên minh kích cầu du lịch điều phối, xây dựng chương trình kích cầu du lịch dài hạn, có trọng điểm cho từng giai đoạn (phục hồi, tăng tốc, bình thường mới) nhằm dẫn dắt, định hướng cho tất cả các bên liên quan, trong đó có các hãng hàng không phối hợp thực hiện.
Khu Đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã mở cửa đón khách du lịch trở lại. Ảnh: VGP/Thế Phong
Cần chính sách mở cửa nhất quán
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định: “Chúng tôi rất thống nhất với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ: ‘Mở cửa là phải an toàn và an toàn thì mới mở cửa, an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó’.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, trải qua 3 lần kích cầu du lịch, ngành du lịch mở, rồi lại đóng, iến các doanh nghiệp du lịch e ngại khi mở lại các hoạt động du lịch. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn ngành du lịch sẽ mở cửa một cách bền vững, nếu có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng thì có biện pháp phong tỏa nhỏ, không đóng cửa hẳn. Nếu bảo đảm nguyên tắc như vậy thì doanh nghiệp mới yên tâm mở cửa ổn định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề nghị cần thống nhất tiêu chí an toàn trong phục vụ dịch từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp du lịch, trong phục vụ khách du lịch phù hợp tình hình mới.
“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, do đó rất cần sự hỗ trợ chính sách từ Nhà nước để doanh nghiệp tham gia phục hồi du lịch giai đoạn đầu, như doanh nghiệp lữ hành thuê chuyến bay charter, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, các cá nhân khởi nghiệp trong du lịch”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề nghị.
Các chuyên gia du lịch cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường liên kết đón khách nội địa và quốc tế. Nâng cao hiệu quả liên kết ‘3 địa phương, một điểm đến’ giữa Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế, mở rộng liên kết với Quảng Trị, Quảng Bình để cùng nhau kích cầu du lịch, đón những đoàn khách yêu mến vùng đất di sản miền Trung.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; thống nhất cổng thông tin khai báo, hạn chế phiền phức cho khách hàng, dễ dàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Nghiên cứu triển khai mô hình “Sàn giao dịch du lịch trực tuyến” (chợ du lịch trực tuyến), chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.