Tuy nhiên, báo cáo về du lịch dịp Tết của Bộ VHTT&DL nhận định, sau 02 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống doanh nghiệp du lịch chưa kịp củng cố do nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chuyển ngành nghề; nguồn nhân lực cũng chưa kịp phục hồi do nhiều lao động đã chuyển nghề khác; một phần cơ sở lưu trú du lịch chưa kịp khôi phục 100% công suất do thiếu lao động; lượng lớn khách du lịch đến các điểm đến gần theo phương thức tự đi, không đặt trước… nên tại một số điểm đến du lịch đã có tình trạng ách tắc giao thông, tăng giá dịch vụ, thiếu phòng nghỉ.
Lữ hành “việt vị” giữa thị trường sôi động
Xu hướng du lịch tự túc cũng thấy rõ trong các khảo sát gần đây của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB). Qua 3 lần khảo sát dịp tháng 9/2020, tháng 3/2021 và tháng 12/2021, xu hướng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến và trực tiếp (không qua lữ hành) của du khách Việt đang gia tăng và chiếm ưu thế. Cụ thể so sánh giữa tháng 9/2020 và tháng 12/2021, tỉ lệ người tham gia khảo sát chọn đặt trực tuyến tăng từ 36,2% lên 42,7%; đặt trực tiếp tăng từ 39,9% lên 41,2%. Ngược lại, tỉ lệ người chọn đặt dịch vụ qua công ty du lịch lớn giảm từ 12,4% xuống 8,7%; với công ty du lịch nhỏ giảm từ 11,4% xuống 7,4%.Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc VietSense Travel cho biết, đối nghịch với sự khả quan của ngành du lịch dịp Tết vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành đứng trước thách thức “khách đông mà không có khách”; vì các gia đình đa phần tự lên kế hoạch riêng, khép kín với số lượng thành viên thân quen và tự đặt vé máy bay, khách sạn, hoặc sử dụng xe riêng.
“Theo quan sát của tôi qua các phương tiện truyền thông, cùng với thống kê khai thác kinh doanh tour và tham khảo các doanh nghiệp lữ hành thì đúng là du lịch đang theo hướng tự phát trong dân. Các doanh nghiệp lữ hành đang trong trạng thái ‘việt vị’ trên một sân đấu sôi động. Nếu như phong trào này cứ tiếp diễn thì có lẽ du lịch sẽ thịnh vượng trở lại, nhưng không còn sự tồn tại của doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức các tour du lịch nữa” – ông Tài nói.
Theo ông Nguyễn Đức Hoa Cương – Trưởng Bộ môn Du lịch (Trường Đại học Hà Nội), các thông tin về gỡ bỏ hạn chế và chính sách kiểm dịch ở các địa phương chưa đồng bộ và quá cận kề dịp nghỉ Tết khiến cho nhiều doanh nghiệp lữ hành “trở tay không kịp”. Vì thế, không ít doanh nghiệp chỉ thăm dò thị trường dịp Tết, hướng đến kế hoạch lâu dài hơn như du lịch tâm linh sau Tết hoặc mùa du lịch hè.
“Các công ty lữ hành cần thời gian nhất định trước mỗi mùa du lịch, để nghiên cứu sản phẩm, phát động chiến dịch và quảng cáo tiếp thị. Có thể thấy nhiều công ty không kịp chuẩn bị cho mùa du lịch Tết, có chăng là những khách hàng trung thành với đơn vị đó. Việc phục vụ khách dịp Tết chủ yếu mang tính thời vụ chứ không phải một chiến dịch được chuẩn bị từ sớm” – ông Nguyễn Đức Hoa Cương nhận định.
Thách thức từ du lịch tự túc
Trong thời đại công nghệ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như hàng không, khách sạn, resort hay thậm chí cả nhà hàng cũng đều có kênh bán kết nối trực tiếp với khách hàng, và đặc biệt là các gã khổng lồ công nghệ với nền tảng thương mại điện tử trong du lịch đã thúc đẩy phong trào tự đặt dịch vụ tại điểm đến của du khách.
Ông Nguyễn Đức Hoa Cương nhận định du lịch tự túc sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, có thể là tự túc một phần hoặc tự túc hoàn toàn. Sự cạnh tranh gay gắt của các OTA (đại lý du lịch trực tuyến) khiến cho “miếng bánh” của lữ hành truyền thống nhỏ đi. Đây sẽ là thách thức lớn cho các công ty lữ hành, nhất là khi nguồn lực đã cạn kiệt sau khoảng 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.
“Một số doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại và phục hồi được, nhưng nhiều công ty lữ hành bây giờ quay lại thị trường giống như ‘bàn cờ xóa đi đánh lại’, tức là làm lại từ đầu vì văn phòng đã trả, nhân lực đã ra đi và nguồn lực, tài chính đều cạn kiệt. Xu hướng du lịch tự túc cũng khiến ngành lữ hành chậm phục hồi hơn” – ông Nguyễn Đức Hoa Cương nói.
Ông Nguyễn Văn Tài chỉ ra những hệ lụy từ du lịch tự túc ồ ạt khi trình độ xã hội phát triển chưa cao. Không hưởng lợi từ sự phục hồi du lịch, nhiều công ty lữ hành trong nước sẽ không thể tồn tại và “miếng bánh lợi ích” của du lịch sẽ thuộc về các tập đoàn công nghệ của nước ngoài.
“Chưa kể việc du lịch tự túc còn nhiều hệ luỵ về tắc đường, kẹt xe, khi mà lượng xe tư nhân đổ về các điểm du lịch quá lớn. Du khách đi tự túc cũng có thể dẫn đến tình trạng chặt chém, ép giá tại một số địa phương. Việc không có hướng dẫn viên hay đơn vị tổ chức tour sẽ dẫn đến những tác động về môi trường và vấn đề bảo tồn di sản khi ý thức của du khách còn chưa đồng bộ và tự giác hoàn toàn” – ông Tài nói.
Chuyển đổi hay là chết?
Ông Nguyễn Văn Tài cho rằng quan trọng nhất là kiểm soát dịch bệnh và truyền thông về vấn đề thích ứng an toàn trong du lịch để người dân hiểu rõ và tự tin tham gia các hoạt động du lịch, giải trí trong điều kiện bình thường mới. Sau đó, các doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để truyền tải thông điệp về dịch vụ và những lợi ích dành cho khách hàng, từ đó kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ du lịch của công ty lữ hành.
Ngoài ra, cần có kênh kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ như hàng không, lưu trú, ăn uống, điểm tham quan với các doanh nghiệp lữ hành; đồng thời có cơ chế giải quyết các vấn đề hợp tác thương mại giữa các đơn vị này nhằm đảm bảo sự hợp tác bình đẳng, lành mạnh và đúng luật trong các hợp đồng và thoả thuận hợp tác kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Hoa Cương cho rằng bản thân các doanh nghiệp lữ hành cũng phải thay đổi, thích ứng với nhu cầu thị trường: “Ngoài kinh nghiệm tổ chức tour hay liên kết chặt chẽ với các đối tác thì các công ty lữ hành cũng cân nhắc đa dạng hóa đầu tư vào các điểm đến, tránh kiểu kinh doanh ‘du canh du cư’. Khi đầu tư và xây dựng sản phẩm riêng tại điểm đến, doanh nghiệp lữ hành vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa gắn kết chặt chẽ, bền vững hơn với các cơ sở cung ứng tại địa phương – điều trước nay rất thiếu và lỏng lẻo vì các hãng lữ hành cứ đến rồi đi”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành thay vì cạnh tranh thì cần hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh của nhau như liên kết phát động các chiến dịch hoặc ghép khách, gửi khách. Quan trọng hơn, để các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và toàn ngành du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19, yếu tố con người rất cần được chú trọng.
“Các vị trí chủ chốt phải quay lại với các công ty lữ hành, muốn vậy cần có chính sách thu hút nhân sự cũ, đồng thời đầu tư cho lực lượng mới vì ngành du lịch từ trước đại dịch Covid-19 đã thiếu nhân lực. Các tour du lịch tới đây sẽ phải có quy trình phục vụ an toàn, tăng tính bản địa, đi sâu vào du lịch trải nghiệm thay cho du lịch đại trà. Có thể xây dựng các mô hình du lịch nhóm nhỏ nhưng phải là chất lượng cao” – ông Nguyễn Đức Hoa Cương nói./.