Chùa Tam Chúc, chùa Hương những ngày gần đây đã thu hút hàng vạn du khách đến lễ, vãn cảnh.
Du khách đi lễ, vãn cảnh tại chùa Tam Chúc trong dịp cuối tuần. |
Lượng khách du lịch đến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng cũng đã tăng vọt vào dịp cuối tuần vừa qua. Điển hình là các điểm du lịch như: Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Tại các điểm du lịch này, lượng khách tham quan có những ngày đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với ngày thường. Hơn 10 ngày qua, khách đến tham quan phố cổ Hội An thường xuyên vào khoảng 600-800 lượt vào ngày thường và trên 1.000 lượt khách vào ngày cuối tuần. Đây được đánh giá là những tín hiệu tích cực cho thấy sự “phục hồi” của hoạt động du lịch trong nước sau khi các địa phương dần kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Sự “phục hồi” này là kết quả của hàng loạt chính sách kích cầu du lịch do các địa phương triển khai; đồng thời cũng cho thấy hướng khai thác nội lực khá hiệu quả trong khi thị trường khách nước ngoài gần như đã “đóng băng” suốt hơn một năm qua do những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Cần coi trọng “nhiệm vụ kép”…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc “khôi phục” của các ngành kinh tế trong đó có du lịch là một xu thế tất yếu trong những nỗ lực “thích nghi” với dịch COVID-19. Xu thế này cũng là cơ sở quan trọng để chúng ta thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch có hiệu quả. Nhiều địa phương đã tổ chức hàng loạt chương trình kích cầu du lịch mới. Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng “mạnh tay” đầu tư, chuẩn bị khai trương trung tâm giải trí nghỉ dưỡng theo mô hình “một điểm đến nhiều nhu cầu” đón đầu làn sóng du lịch nội địa bùng nổ sau khi chúng ta dần khống chế có hiệu quả dịch, bệnh COVID-19.
Tuy vậy, việc tập trung quá đông du khách tại các địa điểm du lịch trong những ngày gần đây đã khiến dư luận không khỏi lo lắng trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Thủy, một du khách đến từ tỉnh Hòa Bình đã quyết định không cố mua vé thuyền để vào thăm chùa Bái Đính bởi không muốn chen lấn, xô đẩy giữa cả nghìn người trong dịp nghỉ cuối tuần vừa qua. Chị Thủy cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi cùng chị em trong cơ quan cùng đi chùa Bái Đính. Cả đoàn đi từ 7h sáng, đến nơi là hơn 9h. Lúc đầu mọi người cũng định mua vé thuyền nhưng sau thấy lượng người đổ về quá đông nên lại thôi. Nói thật là tôi và mọi người sợ… nếu trong số du khách kia không may ai đó từ vùng dịch hoặc là F1 nhưng trốn không khai báo thì thực sự sẽ là vô cùng nguy hiểm”.
Không ít du khách vẫn “quên” đeo khẩu trang tại các địa điểm du lịch. |
Tuy chính quyền các địa phương có những địa điểm du lịch nổi tiếng đều khẳng định “luôn nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch gắn với thu hút du khách”, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện một cách tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch này là không hề đơn giản; đặc biệt là trong khi vẫn còn nhiều cá nhân chưa đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, coi nhẹ công tác tự phòng dịch… Việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế tại các địa điểm du lịch càng có ý nghĩa quan trọng khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần, thời điểm được dự báo là sẽ du lịch trong nước sẽ tiếp tục “bùng nổ” mạnh mẽ do người dân được nghỉ dài ngày.
Chính vì thế, mỗi người cần phải nhận thức rõ, việc phát triển các hoạt động kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch (dù là du lịch nội địa) là xu thế khách quan. Tuy nhiên, việc nhiều “tâm dịch” trở lại “trạng thái bình thường mới” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc dịch, bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi; không có nghĩa là dịch COVID-19 sẽ không thể tái bùng phát. Do đó, mọi tư tưởng, thái độ chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch của cá nhân khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhất là ở những địa điểm du lịch nổi tiếng đều rất có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh COVID-19.
Đi lại, du lịch là quyền tự do của mỗi người; đồng thời cũng là động lực cho ngành “công nghiệp không khói” của đất nước phát triển. Mặt khác, cần nhận thấy việc cho phép các khu du lịch tái hoạt động trong “trạng thái bình thường mới” là tạo cơ hội phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Chủ trương này chỉ thực sự có ý nghĩa khi mọi người từ khách du lịch đến người dân bản địa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Do đó, cơ quan chức năng, nhất là tại những địa phương có các điểm du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và duy trì nghiêm các quy định về phòng chống dịch, bệnh COVID-19 trong “trạng thái bình thường mới”; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính răn đe.
Đối với mỗi cá nhân, hãy là những công dân có trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia lễ hội hay đến các khu du lịch. Bởi việc khai báo y tế đầy đủ, trung thực và việc đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế hoàn toàn không phải là quá khó khăn với mỗi người, nhưng đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong những nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 mà cả xã hội đã kiên trì thực hiện trong hơn một năm qua./.