Tác động của dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để những doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch thay đổi thích ứng. Với những khách sạn từ 3 sao trở lên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đã được các đơn vị này triển khai từ sớm để phục vụ quản lý. Tuy nhiên để mang lại sự thuận tiện với phương châm giảm tối đa tiếp xúc, một số khách sạn đã thay đổi hẳn cách vận hành dựa trên nhu cầu thay đổi của khách.
Ông Nguyễn Bá Luân, Tổng Giám đốc Chuỗi khách sạn thuận ích SOJO Hotels cho biết: “Mới đây chúng tôi đưa vào khách sạn SOJO Hotel Ga Hanoi hoàn toàn ứng ứng công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý, vận hành. Theo đó, khách lưu trú có thể trải nghiệm đặt phòng, mở cửa bằng chìa khóa số, sử dụng các thiết bị trong phòng như ti vi, đèn, điều hòa, rèm cửa… bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh”.
Dựa trên xu hướng du lịch “không chạm”, sử dụng công nghệ thông tin tại SOJO Hotel Ga Hanoi mang tới sự khác biệt cho khách lưu trú, tạo cảm giác an toàn, sự tiện ích để phòng dịch.
Trong khi đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để có thể đón khách khi được phép mở cửa trở lại. Hiện nay, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D…
“Quan trọng nhất hiện nay là xây dựng được hệ thống dữ liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khi hội đủ yếu tố sẽ kết nối thông tin qua app hoặc kết nối với cổng thông tin du lịch Hà Nội và các đối tác”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ.
Còn ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Do thiệt hại nặng trong 2 năm qua nên các doanh nghiệp lữ hành ứng dụng công nghệ thông tin ở các hình thức, mức độ khác nhau thông qua mạng xã hội, các nền tảng, xây dựng website… Trước nhu cầu của khách thay đổi, hướng tới sự hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch nên hiện các giao thức cũng thực hiện nhiều qua mạng. Do đó, đơn vị cũng đưa vào vận hành trang web Tourtiket.vn. Khách đặt toàn bộ chương trình tour qua hệ thống này. Bên cạnh đó, việc đọc thuyết minh bản hướng dẫn, chúng tôi đã sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) như đã triển khai với chương trình tour xe đạp “Ngày này năm xưa”,…
Một số doanh nghiệp lữ hành cũng vận dụng công nghệ để thu hút khách tiềm năng, kết hợp các điểm đến. Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện) Việt Nam, Giám đốc Công ty du lịch và sự kiện VPlus cho biết: Đơn vị đang triển khai chương trình “Run to Cát Bà island – Run For Geen” là giải chạy trực tuyến dành cho mọi đối tượng tham gia với mục đích nâng cao sức khỏe, tạo thói quen luyện tập thể thao, gây quỹ trồng cây xanh và trải nghiệm – quảng bá du lịch Cát Bà. Do dịch bệnh nên chưa thể tổ chức giải tập trung đông người nên giải chạy bộ, đi bộ được tổ chức trực tuyến để người tham gia có thể chạy ở bất kỳ đâu, chạy một mình hoặc với bất kỳ ai trong thời gian diễn ra giải. Kết quả thành tích được tính trực tuyến trên app Strava và nền tảng công nghệ VRUN.vn. Những người đạt thành tích sẽ được tặng vật phẩm và qua đó sẽ quảng bá và thu hút khách đến điểm đến chương trình hướng tới.
“Dù các đơn vị dịch vụ du lịch cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ khác nhau nhưng có thể thấy đây là xu hướng tất yếu. Một vài đơn vi cũng đang có ý tưởng hình thành làm sàn thương mại điện tử B2B dành riêng cho các doanh nghiệp trao đổi về sản phẩm”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Cần một sự liên kết
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)… Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch vụ hiện đang được thực hiện trên ứng dụng di động.
Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD.
Trước tình hình thế giới như vậy, du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi số theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11/2018 “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Trước khi COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3-5 sao, nay kết nối hệ thống sao thấp hơn được hơn 4.000 khách sạn; hướng dẫn viên du lịch nội địa – quốc tế, lữ hành…. Tiếp đó là nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở. Tổng cục Du lịch cũng đã thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch Và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo… Đồng thời, các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến. Việt Nam cũng đã 10 sàn giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch và mới chiếm khoảng 20% thị phần. Một số đơn vị đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo…
“Công tác chuyển đối số trong ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn như chưa nhận thức đồng bộ; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đặc biệt là khách hàng và doanh nghiệp, thiếu nguồn lực; hạn chế về kiến thức, trình độ… Do đó, đáp ứng chuyển đổi số trong thời gian tới, ngành du lịch cần nâng cao việc liên kết hợp tác, hướng tới xây dựng nền tảng của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự tham gia tích cực chủ động và sáng tạo của doanh nghiệp, điểm đến”, ông Nguyễn Lê Phúc nhận định.
Về giải pháp, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch thuận lợi hơn, ông Nguyễn Lê Phúc cho rằng, ngành du lịch tiếp tục xây dựng hệ sinh thái thông minh; kết nối cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp theo thời gian thực; đẩy mạnh công tác truyền thông và phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo; Phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch.
“Việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi ngành du lịch hội nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất. Cách đây 3 năm, Hiệp hội Du lịch cũng đã lấy chủ đề chuyển đổi số từ Hội chợ VITM 2018 và tiếp tục là 2019; trước đó Hiệp hội cũng đã có ý tưởng thành lập Hội chợ du lịch VITM điện tử. Do đó, ý tưởng về các chương trình, sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp du lịch không phải là mới nhưng lúc triển khai ít đơn vị áp dụng. Nay do dịch COVID-19, khi chính nhu cầu của du khách thay đổi nên những ý tưởng đang triển khai giang giở cần thúc đẩy và triển khai sớm”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, do thiệt hại nặng trong 2 năm qua, đồng thời huy động được sự chung tay của doanh nghiệp cần vai trò liên kết làm “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.