Cuộc sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được coi là chiến lược đột phá nhằm tái cấu trúc không gian kinh tế, tối ưu hóa nguồn lực quốc gia và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững đất nước; trong bối cảnh đó, ngành du lịch cũng đứng trước cơ hội chưa từng có để vẽ lại bản đồ du lịch quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch liên vùng đa dạng và hấp dẫn.
Tập trung nguồn lực, đa dạng hóa sản phẩm
Sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, trong tổng số 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 21 địa phương giáp biển, chiếm gần 62%. Việc sáp nhập cũng dẫn đến sự ra đời của các siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh hay Lâm Đồng – tỉnh có diện tích lớn nhất, trên 24.000km². Những đơn vị hành chính mới này sẽ tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú với nhiều loại hình trong một địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ tập trung nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch và quảng bá thương hiệu, thuận lợi trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với sự đa dạng về thiên nhiên, văn hóa và con người, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát huy tối đa tiềm năng du lịch, tạo ra các sản phẩm liên vùng hấp dẫn và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới. Các tổ chức liên kết phát triển vùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong điều tiết hoạt động du lịch, phát triển các sản phẩm đặc thù có thương hiệu riêng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Một trong những lợi ích lớn nhất của sáp nhập địa giới hành chính là khả năng gỡ bỏ rào cản hành chính giữa các tỉnh/thành phố trước đây, tạo điều kiện để thiết kế các tuyến du lịch liên vùng, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách; những “siêu tour” sẽ mang đến trải nghiệm liền mạch, đa dạng và hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để phát triển các sản phẩm/dịch vụ du lịch mới, từ lưu trú, ăn uống, đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản địa phương.
Sáp nhập địa giới hành chính cũng tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch lại hệ sinh thái du lịch một cách đồng bộ, thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây. Các vùng có thể phân vai rõ ràng để tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn, đa dạng và hấp dẫn, trong đó xây dựng các điểm thu hút khách chính, vùng hậu cần, vùng sản xuất đặc sản địa phương… Việc phân vai này đồng thời tạo nên thương hiệu du lịch mạnh, thống nhất và dễ nhận diện trên thị trường quốc tế.
Hoàn thiện thể chế, phát huy tối đa tiềm năng
Để tận dụng tối đa cơ hội, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp du lịch. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch 2017 cũng như các văn bản liên quan để công nhận các khu du lịch cấp tỉnh và cấp vùng theo mô hình hành chính mới. Bảo tồn giá trị các khu du lịch quốc gia, di sản văn hóa và thiên nhiên đã được công nhận, đồng thời cập nhật địa danh phù hợp với đơn vị hành chính mới để tránh nhầm lẫn cho du khách.
Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, như ưu đãi về thuế, tín dụng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và mở rộng đầu tư. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và quản lý du lịch, bảo đảm cung cấp đủ lao động chất lượng cao…
Xây dựng lại quy hoạch du lịch quốc gia và tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch mới. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phối hợp với các địa phương rà soát và đánh giá toàn diện tài nguyên du lịch sau sáp nhập để phát hiện các điểm đến mới và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Xây dựng hệ thống bản đồ du lịch, cẩm nang điểm đến và tài liệu truyền thông trên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ đặt tour thông minh. Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch sáng tạo, tập trung vào các sản phẩm liên vùng mới hình thành, nhằm thu hút khách nội địa và quốc tế.
Hỗ trợ hình thành các liên minh và tổ chức liên kết phát triển du lịch vùng, tháo gỡ rào cản hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các tour liên vùng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển các sản phẩm du lịch trong bối cảnh mới.
Đối với các địa phương, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử và các điểm đến tiềm năng mới, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch. Phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, tận dụng thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lễ hội truyền thống để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương, kể cả khi tên gọi hành chính thay đổi, để giữ được dấu ấn riêng biệt.
Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các điểm đến du lịch liên vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và cảng biển. Phát triển hệ thống lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí đạt chuẩn quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ và thái độ ứng xử thân thiện, chuyên nghiệp. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ du lịch như hệ thống đặt phòng trực tuyến, thanh toán không tiền mặt, hỗ trợ thông tin đa ngôn ngữ.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch để phát triển sản phẩm mới phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với doanh nghiệp du lịch, nắm bắt kịp thời các thay đổi về địa giới hành chính và quy hoạch du lịch để điều chỉnh tour tuyến và chương trình tham quan phù hợp; phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng, khai thác các điểm đến mới để tạo ra các “siêu tour” hấp dẫn. Tăng cường hợp tác giữa địa phương và doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, tổ chức các chương trình kích cầu, giới thiệu điểm đến. Tổ chức lại các hiệp hội du lịch địa phương để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực cạnh tranh…
Sáp nhập địa giới hành chính là một bước ngoặt lịch sử, mở ra cơ hội để ngành du lịch Việt Nam tái cấu trúc. Chỉ khi các chủ thể phối hợp chặt chẽ, ngành du lịch Việt Nam mới có thể tận dụng cơ hội, mang đến trải nghiệm mới cho khách du lịch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.