Thống kê cho thấy, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam cũng tiếp tục được khẳng định khi nhận đến 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 – khu vực châu Á và châu Đại Dương… Trên cơ sở kết quả năm 2022, ngành du lịch đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh các thành tựu đạt được, ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng chỉ ra rằng, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực…
Tham luận quanh giải pháp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ du lịch năm 2023 dịp tổng kết năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, Tổng cục Du lịch cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều thách thức và cả những hạn chế của ngành. Trong đó, có những thách thức từ bên ngoài như lao động các nước ASEAN có chung bộ tiêu chuẩn nghề và có thể tự do đi làm việc trong khu vực, sẽ hạn chế cơ hội việc làm của lao động Việt Nam nếu người Việt không cải thiện được chuyên môn nghiệp vụ và năng suất lao động; cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan; chiến tranh Nga-Ukraina chưa có dấu hiệu chấm dứt…
Ở trong nước cũng đang tồn tại nhiều rào cản như tình trạng các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Có những nơi quảng cáo hạng cơ sở lưu trú khi chưa xếp hạng, quảng cáo dịch vụ du lịch không đạt chuẩn, chất lượng kém đặc biệt trên các trang bán hàng như booking.com, agoda.com… khiến khách hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành.
Kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư các công trình, dự án du lịch còn có những hạn chế dẫn đến sai lầm trong quá trình đầu tư, duy trì chất lượng và phát triển thương hiệu, chọn tư vấn thiết kế không đủ năng lực nên công trình không đáp ứng công năng, khó vận hành, không đạt tiêu chuẩn theo mục đích ban đầu. Nhiều nơi chưa thực quan tâm đến chuyển đổi số. Nhân lực còn thiếu hụt và khó tuyển dụng, nhất là lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt. Hầu hết phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách nên còn nhiều lúng túng.
Du lịch còn mang tính thời vụ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị do thời gian thấp điểm, cơ sở vật chất bị xuống cấp, nhân viên không ổn định, nhiều nơi không dám tuyển đủ nhân lực vì sợ không đủ chi phí cho quỹ lương sau thời gian dài cạn kiệt nguồn vốn dự phòng. Những thời gian cao điểm như lễ hội, nghỉ hè, nghỉ Tết… cung thấp hơn cầu dễ gây đến tình trạng nâng giá, ép giá, cung ứng dịch vụ không đảm bảo chất lượng…
Về mặt giải pháp, Tổng cục Du lịch kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo bố trí đủ kinh phí để triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời chủ trì, họp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động du lịch. Đó là triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi đi lại đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; cải thiện điều kiện và hạ tầng cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du khách và chỉ đạo các địa phương quan tâm đến công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, tăng đầu tư cho du lịch….
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững; ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Cũng đến năm 2025, đề án sẽ đạt các mục tiêu: Hoàn thành Cổng thông tin du lịch, hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch; xây dựng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch, trước mắt, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi khách du lịch sau đại dịch COVID-19. Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hình thành Trung tâm điều hành du lịch và đi vào vận hành thử nghiệm, kết nối thí điểm với một số địa phương phát triển du lịch thông minh, ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Huế, Đà Lạt, Hà Giang, Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang…