Tiềm năng sẵn có
Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp – Gia Long tại xã Đắk Sôr, Krông Nô (Đắk Nông) những ngày này, lượng khách đến tham quan, du lịch nhộn nhịp. Sự cuốn hút đối với du khách chính là thác Đray Sáp, với độ cao 20m, trải rộng cả trăm m. Theo tiếng của người Ê Đê, Đray Sáp có nghĩa là “thác khói”, bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói, tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ. Khu du lịch nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Năm 1991, nơi đây được công nhận danh thắng cấp quốc gia.
Chị Nguyễn Thị Dự, du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết, đây là lần đầu tiên chị đến với Đắk Nông. Được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của ngọn thác Đray Sáp, cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên nơi đây khiến gia đình chị rất ấn tượng. “Con người Đắk Nông rất thân thiện. So với tỉnh Bình Dương, cảnh sắc thiên nhiên nơi đây có có sự mộc mạc, hoang dã khiến tôi và gia đình rất thích thú. Tôi rất mong chờ khi có cơ hội sẽ ghé thăm Đắk Nông lần nữa”, chị Dự chia sẻ.
Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp – Gia Long, để đáp ứng nhu cầu của du khách trong “tình hình mới”, thời gian qua, khu du lịch đã đổi mới phương thức hoạt động, triển khai các kế hoạch kích cầu, quảng bá, tu sửa các loại hình dịch vụ hiện có. Đơn vị đang đầu tư thêm các loại hình dịch vụ mới như xe đạp nước, cầu lắc, xe địa hình, xe điện thăng bằng… dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào dịp Tết Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, loại hình du lịch nghỉ dưỡng được đẩy mạnh xây dựng, tạo cảnh quan thoáng mát để phục vụ du khách. Các nhà lưu trú được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà M’nông, nhà dài Ê đê, nhà song lập, nhà nấm để tạo sự mới lạ. Để giới thiệu đến du khách nét văn hóa ẩm thực Đắk Nông, khu ăn uống được phục vụ các món như cơm lam, gà nướng, măng le rừng, cá lăng Sêrêpốk…
Ngoài ra, nhằm mở ra hướng phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đời sống, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn thay đổi cách làm, kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch. YuMin Farmhouse của anh Nguyễn Đình Anh tại thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) là một trong những điểm đến tham quan trải nghiệm thú vị cho du khách gần đây với mô hình du lịch nông trại.
Theo anh Nguyễn Đình Anh, xuất phát từ niềm đam mê làm nông nghiệp, anh xây dựng trang trại với 3,5 ha trồng rau, nuôi gà, dê, cừu, đà điểu… với mục đích vừa phục vụ cho nhu cầu của gia đình, vừa là nơi để du khách tham quan. Đó là cách để anh có thể đưa sản phẩm nông nghiệp của mình quảng cáo, giới thiệu và bán tận tay cho khách hàng mà không cần qua trung gian.
“Trong thời điểm dịch COVID-19, xu hướng đi du lịch của mọi người cũng dần thay đổi, du khách thích đến những nơi xa thành phố, gần gũi với thiên nhiên và có không gian thoáng đãng. Chúng tôi đã chọn hướng đi mới, tạo ra những trải nghiệm đặc biệt, du khách có thể thăm nông trại hoặc tham gia trực tiếp vào công việc canh tác, nuôi trồng và thu hoạch sản phẩm”, anh Nguyễn Đình Anh chia sẻ.
Đắk Nông là vùng đất có địa hình đa dạng và phong phú xen kẽ giữa các thung lũng, cao nguyên và núi cao. Với điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt, nhiều tiềm năng về di sản, thắng cảnh, cảnh quan như ao, hồ, thác nước từ nhỏ đến lớn trải đều ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn… tạo điều kiện tốt để Đắk Nông phát triển du lịch. Tại Đắk Nông có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như các thác Đắk G’lun, Đắk Búk So, Đ’ray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ; hồ Trúc và hồ Tây… Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một trong những địa điểm hấp dẫn có thể khai thác nhiều loại hình du lịch. Điểm nhấn của Vườn Quốc gia Tà Đùng chính là hồ Tà Đùng, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên” với gần 5.000 ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo.
Với nhiều tiềm năng sẵn có, nhưng du lịch Đắk Nông vẫn chưa thực sự phát triển, hiện tại mới chỉ khai thác được một phần. Trong nhiều năm qua, Đắk Nông gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư. Mặc dù tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, HĐND tỉnh có Nghị quyết về thu hút đầu tư tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến đầu tư, phát triển du lịch. Thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, tỉnh đang chú trọng kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng. Tỉnh đã đồng ý để một số công ty lữ hành, đơn vị nghiên cứu từ Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vào khảo sát các điểm du lịch, tuyến, tour và sản phẩm du lịch cụ thể. Tỉnh cũng đang nỗ lực khôi phục và quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống như thổ cẩm, các làn điệu dân ca, dân vũ, món ăn truyền thống…
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng gìn giữ môi trường thật tốt để các nhà đầu tư tìm đến, đầu tư phát triển du lịch Đắk Nông đầy tiềm năng. Chúng tôi đã thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, có sự kiểm soát, quản lý người đến địa phương; nỗ lực giữ được môi trường xanh, giữ vùng xanh; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến tỉnh đầu tư nâng cấp, cải tạo để khi du khách đến thăm quan Đắk Nông sẽ có những điểm đến thật tốt trong tương lai”.
Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Nông đón khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu 180 tỷ đồng. Đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 cơ sở kinh doanh du lịch. Trong đó, tính riêng thành phố Gia Nghĩa đã có khoảng 30 mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, vừa kinh doanh du lịch. Việc xuất hiện nhiều mô hình du lịch đã làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Đắk Nông. Thời gian tới, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Đắk Nông cần có những chính sách kêu gọi đầu tư nhằm khai thác lợi thế, phát huy tiềm năng sẵn có.