Cồng chiêng Tây Nguyên đã đi qua giai đoạn “chảy máu”, khi từng trở thành đồng nát chất đống hoặc may mắn hơn chút là được dùng làm… máng heo.
Việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, về cơ bản, những giá trị của cồng chiêng khu vực này còn hay mất vẫn phụ thuộc vào chủ nhân của di sản ấy. Chủ nhân ở đây được hiểu là chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và đồng bào các dân tộc bản địa sở hữu và sống trong không gian văn hóa cồng chiêng của mình.
Sẽ không cần thảo luận về giá trị của cồng chiêng, vì từ khá sớm các tỉnh Tây Nguyên đã biết rõ và hết sức chú ý đến vấn đề này. Từ văn bản thông thường đến nghị quyết các cấp, trong phát biểu của các cán bộ lãnh đạo hoặc tại rất nhiều những kế hoạch, đề án, dự án, cồng chiêng luôn được nhắc đến một cách sâu đậm và mạnh mẽ.
Trên thực tế, các tỉnh trong khu vực đều có những hoạt động tương đối giống nhau ở ba cấp xã, huyện, tỉnh, thậm chí rộng hơn, để “bảo tồn, phát huy các giá trị của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” một cách tương đối định kỳ, chẳng hạn: liên hoan, hội diễn, hội thi, festival…
Trong các cuộc này, các đội/đoàn cồng chiêng được triệu tập, được lên sân khấu biểu diễn theo một kịch bản nhất định. Kết thúc những ngày diễn ra sự kiện đông vui nhưng thường không dài, các nghệ nhân trở về buôn làng, cất cồng chiêng và trang phục truyền thống, tiếp tục công việc mưu sinh.
Diễn tấu cồng chiêng ở buôn Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Để có mặt trong các sự kiện do “Nhà nước tổ chức” như vừa nêu, các đội/đoàn cồng chiêng thường được địa phương chọn cử, có thể có hoặc không thông qua một cuộc thi nào đó. Các nghệ nhân được tập luyện một số ngày và như đã nói, họ được biểu diễn trên sân khấu hiện đại theo một kịch bản định sẵn khá chặt chẽ về thời lượng, hướng đi, ngay cả cách nhoẻn miệng cười hay cúi đầu chào khách cũng được hướng dẫn cẩn thận, để ghi điểm. Không thể phủ nhận mặt tích cực của sân khấu hóa cồng chiêng (trông có vẻ ngay ngắn, hoành tráng hơn chẳng hạn), không thể phủ nhận được sức mạnh của truyền thông (không dễ gì được lên tivi, được lan tỏa khắp mọi nơi). Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cố hữu của chúng. Sân khấu hóa không phải là môi trường thích hợp đối với cồng chiêng dân gian: thay vì giữa cỏ cây, buôn làng, người ta buộc phải chơi chiêng dưới ánh đèn màu và một không gian chật chội. Cũng như vậy, thời lượng truyền hình là sự mâu thuẫn muôn đời không giải quyết được với trình diễn cồng chiêng thứ thiệt: các bài chiêng bị cắt vụn, hình ảnh được chú trọng hơn âm thanh và những thứ khác có liên quan.
Xét cho cùng, với văn hóa dân gian nói chung, cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, một trong những thái độ tiếp cận đúng, là hãy làm học trò nhân dân thay vì làm thầy các nghệ nhân, sẽ đạt được nhiều điều tốt đẹp, bền vững hơn. |
Cồng chiêng Tây Nguyên cần một sự thoáng đãng về không gian và sự tự do tư tưởng của người trình diễn, cần trả lại môi trường buôn làng vốn có cho cồng chiêng… Để vốn quý ấy tự lên tiếng, tự khẳng định mình, vừa thực sự bảo tồn được một giá trị văn hóa truyền thống độc đáo – không gian văn hóa cồng chiêng – lại vừa góp phần tích cực vào hoạt động du lịch địa phương, các tỉnh Tây Nguyên nên mạnh dạn rời bỏ cách làm xưa cũ đã “thống trị” suốt mấy mươi năm qua: sân khấu hóa cồng chiêng.
Trong một nỗ lực đoạn tuyệt với cách làm không còn phù hợp, tại Gia Lai, trong tháng 4 và 5 vừa qua các hoạt động thử nghiệm liên quan đến cồng chiêng đã được tiến hành và bước đầu cho kết quả khả quan. Thay vì tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan… như trước, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số đã được diễn ra tại quảng trường thành phố, trong 2 ngày 1 đêm. Tại đây, trong khuôn viên rộng hơn 500 m2, từng đơn vị cấp huyện (50 – 80 người/đoàn) được giao toàn quyền về nội dung chương trình và cách thức biểu diễn của mình. Nói một cách nôm na thì trong khoảng không gian, thời gian ấy, bà con có thể đánh chiêng, múa hát vào bất kỳ lúc nào (hoặc không) mà không bị bất cứ giám khảo hay nhà tổ chức nào chấm điểm, chỉ đạo, trừ du khách có thể đến thưởng thức và trải nghiệm. Gần 1.000 nghệ nhân, chủ yếu là người Bahnar, J’rai lần đầu tiên được sống thật với cồng chiêng của mình trên thảm cỏ, dưới tán cây xanh, bên cạnh những đồ đan dệt thân quen đã vô cùng hào hứng qua mỗi điệu chiêng, bài múa giữa tiếng hò reo tán thưởng, trầm trồ không ngớt của du khách.
Cồng chiêng Tây Nguyên cần có một không gian diễn xướng để thực sự được “sống”. Ảnh: Hữu Hùng |
Tiếp nối thành công của ngày hội vừa nêu, nhân dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, cũng tại khu vực quảng trường thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã mời hai đoàn cồng chiêng của các tộc người bản địa lên trình diễn theo ý thích của mình. Hai đêm “Cồng chiêng cuối tuần” được quảng bá tốt, đã thu hút được một lượng du khách ngoài mong đợi cho du lịch địa phương. Qua đây, hình thức tổ chức ngày hội văn hóa và cồng chiêng cuối tuần đã được đơn vị chức năng của tỉnh Gia Lai chính thức xác định là hoạt động thường xuyên và định kỳ trong thời gian tới.