• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Để du lịch quốc tế Việt Nam không còn “đi trước, về sau”

    Thursday, 22-12-2022 / 9:59:00 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    285 View

    Với con số đạt hơn 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, Việt Nam từng được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

    Sau hai năm đóng cửa phòng dịch và ngay khi mở cửa (ngày 15-3), chúng ta đã có những kỳ vọng đưa du khách quốc tế trở lại Việt Nam như thời kỳ đỉnh cao cách đây hai năm. Tuy vậy, dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tìm nhiều phương án tháo gỡ nhưng đến nay kết quả chưa được như kỳ vọng.

    Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức lại hoạt động du lịch và dỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm COVID-19 từ ngày 15-5. Cạnh đó, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Âu… đã dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, khởi động nhiều chính sách để khơi thông hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế. Các cánh cửa đã mở, Chính phủ đã tháo gỡ các khó khăn, xem xét và chấp thuận nhiều kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN). Thế nhưng thực tế du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chỉ là con số khiêm tốn.

    Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra. Từ khi mở cửa đến ngày 15-3, trong khi khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số hơn 3 triệu lượt thì các nước trong khu vực như Thái Lan đã vượt xa với 7,5 triệu lượt, Malaysia đạt hơn 4,5 triệu lượt…

    Trong Hội nghị “Thúc đẩy thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam” ngày 21-12, Thủ tướng đã đặt vấn đề Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch COVID-19. Chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… và đến nay đã chứng minh chủ trương này là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn?

    Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng có nhiều nguyên nhân chính gây “nghẽn”. Câu chuyện visa là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ đầu tiên, bởi hiện nay “độ mở” của Việt Nam chưa bằng các nước trong khu vực. Có lẽ thời hạn miễn thị thực 15 ngày là rất ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của du khách quốc tế… Câu chuyện về vốn cũng là điểm nghẽn đáng lưu ý khi hiện nay nhiều DN lữ hành quốc tế, khách sạn… bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tín dụng.

    Để du lịch quốc tế Việt Nam cất cánh, các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương, DN cho rằng cần tháo các nút thắt nói trên. Đặc biệt, chúng ta cần có một chương trình phát triển du lịch mang tổng thể quốc gia. Cụ thể hóa chương trình này bằng cách triển khai đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, cần mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào phát triển du lịch; hỗ trợ các DN du lịch về vốn, thuế, phí…

    Với mong muốn và quyết tâm đưa du lịch quốc tế Việt Nam trở về thời hoàng kim, Thủ tướng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, DN, địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa; linh hoạt, sáng tạo hơn nữa! Thay đổi cách tư duy, tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát với điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới hiện nay. Chúng ta cần cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có.

    Source : Pháp Luật TPHCM
    Latest news