• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Để du lịch thật sự hồi phục

    Wednesday, 04-01-2023 / 9:56:54 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    283 View

    Du lịch Việt Nam hiện mới chủ yếu khai thác những cảnh quan thiên nhiên sẵn có, chưa chú ý đến tâm lý, thói quen của du khách

    Sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa, ẩm thực của các vùng miền phong phú và hấp dẫn, khí hậu hài hòa, người dân thuần hậu…, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập khiến tỉ lệ du khách quay lại Việt Nam chưa cao.

    Cần chính sách cởi mở hơn

    Cho đến nay, các hoạt động xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch Việt Nam vẫn yếu. Sau đại dịch, thói quen du lịch của khách thay đổi, các nước đã chuẩn bị chiến dịch rầm rộ thu hút khách quốc tế trở lại. Trong khu vực, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… đều đề ra những chiến dịch quảng bá truyền thông rất tốt. Ngành du lịch Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược truyền thông mang tầm quốc gia với sự tham gia của các cơ quan báo – đài nhằm đẩy mạnh thu hút khách quốc tế.

    Quan trọng nhất lúc này là có chính sách cởi mở hơn đối với du lịch quốc tế. Cần có cách làm hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những khó khăn về vốn. Ngoài ra, đã đến lúc thay đổi quan điểm, thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam thì phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn. Theo một thống kê gần đây, trong khi Thái Lan – trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại nhờ công tác tiếp thị tốt, hiệu quả cao thì tại Việt Nam tỉ lệ này mới là 25%-30%. Du lịch Thái Lan rất giỏi trong việc buộc khách phải mở hầu bao, như cung cấp nhiều dịch vụ và khéo léo trong cách bán hàng. Họ đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác mà luật pháp không cấm.

    Du lịch Việt Nam hiện mới chủ yếu khai thác những cảnh quan thiên nhiên sẵn có, lại chưa chú ý đến tâm lý, thói quen đời sống của khách. Ví dụ như nhiều khách du lịch từ các nước Âu – Mỹ, khác múi giờ Việt Nam, họ có nhu cầu đi chơi, mua sắm hàng hóa vào khung giờ đêm của Việt Nam. Các loại hình dịch vụ về đêm lẽ ra là những “mỏ vàng” giúp ngành du lịch tăng doanh thu cao, tiếc là sự cung cấp sản phẩm ban đêm cho khách du lịch ở Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta nên học mô hình ở các nước hiện đại, xây dựng các khu riêng biệt dành cho hoạt động về đêm mang quy mô và tầm cỡ lớn. Như vậy sẽ bảo đảm cung cấp các dịch vụ tốt, chất lượng, đồng bộ, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, khiến thời gian lưu trú của họ ở Việt Nam nhiều hơn và số tiền họ chi tiêu cũng lớn hơn, góp phần tăng thêm nguồn thu lớn từ du lịch.

    Để du lịch thật sự hồi phục - Ảnh 1.

    Khách quốc tế mua sắm ở TP HCMẢnh: Hoàng TriềuTriệt nạn “chặt chém”, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

    Ở nhiều nơi còn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam và là một trong những lý do khiến nhiều du khách nước ngoài một đi không trở lại. Vì vậy, về phía quản lý, cần tăng tiền phạt kịch khung, rút giấy phép có thời hạn. Nếu tái phạm thì cấm vĩnh viễn. Chính quyền địa phương cập nhật tình hình dịch vụ; khuyến cáo và cảnh báo du khách; tăng cường kiểm tra, giám sát…

    Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh nhưng do ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách còn hạn chế nên xả rác thẳng ra môi trường gây ô nhiễm và mất đi cảnh quan đẹp tại các bãi tắm, vùng ven biển. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến du khách ngần ngại trở lại điểm đến. Ðể góp phần phát triển du lịch biển bền vững, chính quyền các địa phương có biển cần tập trung triển khai đồng bộ giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc bảo vệ môi trường tại các địa phương ven biển. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường biển…

    Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, cần xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Vì thế, các cơ chế chính sách phát triển du lịch phải đủ mạnh, kịp thời và đột phá. Quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương cần được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có; đồng thời, có “nhạc trưởng” điều phối chung. 

    Hậu đại dịch, con người nhận thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe, xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe cùng phương thức di chuyển nhanh, tiện nghi nhằm giảm tiếp xúc, rút ngắn thời gian di chuyển được ưu tiên. Vì lẽ đó, cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế.
    Source : Người Lao Động
    Latest news