Từ khi mở cửa trở lại, ngành du lịch đã rất nỗ lực để sớm khôi phục. Tuy nhiên, bắt tay thực hiện mới thấy nhiều thách thức.
Hiện nay, sự bất ổn về tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới khiến toàn bộ ngành du lịch phải chịu tác động. Giá xăng dầu tăng cũng khiến doanh nghiệp lữ hành điêu đứng vì tất cả chi phí đều tăng theo. Bài toán khó của chúng tôi là bảo đảm giá tốt cho du khách thì phải chịu lỗ rất nhiều, nhưng tăng giá thì khách hàng lại quay lưng.
Hơn nữa, chúng tôi kinh doanh lĩnh vực du lịch mạo hiểm, đối tượng khách chủ yếu là khách quốc tế nhưng chính sách visa hiện nay chưa đủ thông thoáng. Ngoài ra, theo phản ánh của những đồng nghiệp chuyên đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, việc một số nước không công nhận hộ chiếu mẫu mới xanh tím than của nước ta cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp…
Chúng tôi mong muốn trong phiên chất vấn sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, từ đó có các giải pháp đúng và trúng để ngành du lịch có thể thực sự cất cánh trong tương lai. Ngành du lịch cần chính sách visa cởi mở hơn, đẩy mạnh cấp visa điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Khách đến càng đông, lưu trú càng lâu doanh thu sẽ tăng lên. Cơ sở hạ tầng cho du lịch cũng cần tiếp tục được đầu tư tương xứng với một lộ trình cụ thể và bài bản.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương: Mong được vay vốn ưu đãi để thu hút và đào tạo lao động
Cho đến nay, chỉ khoảng 70 – 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại và chủ yếu phục vụ khách nội địa. Quá trình này doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nhân lực, chất lượng sản phẩm… Điều này cho thấy ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Đối với khách quốc tế, doanh nghiệp cũng gặp khó khi lượng khách của các thị trường lớn vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, các đường bay Đông Bắc Á chưa mở lại, thị trường châu Âu cũng chưa có tín hiệu khả quan. Lượng khách ít, chính sách visa cho khách châu Âu cũng là rào cản. Hiện tại doanh nghiệp chủ yếu đón khách Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia… vì có chính sách mở cửa gần giống Việt Nam.
Tuy vậy, Tổng cục Du lịch hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có hành động cụ thể để giúp doanh nghiệp kết nối với Đại sứ quán, Lãnh sự quán để quảng bá. Chúng ta không thể ngồi trong nước bàn giải pháp thu hút khách quốc tế mà cần chủ động kêu gọi các lực lượng như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Lãnh sự quán hỗ trợ để có kế hoạch xúc tiến thuận lợi hơn.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi mong muốn sẽ có chính sách cho doanh nghiệp du lịch vay vốn với lãi suất ưu đãi để tuyển dụng lao động mới và đào tạo lao động tại chỗ, bởi đây đang là khó khăn rất lớn. Ngoài ra, phải kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao chủ động giúp ngành du lịch, giới thiệu về du lịch, chính sách mở cửa của Việt Nam, Việt Nam là điểm đến an toàn. Về phía Bộ Công an cần tháo gỡ điểm nghẽn về visa, đẩy nhanh việc cấp visa điện tử cho du khách.
Bà Hồ Trang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Du lịch Liên minh Việt Nam: Mổ xẻ khó khăn, có quyết sách mạnh
Sau thời gian mở cửa, khách quốc tế và nội địa dần hồi phục nhưng điều này cũng gây khó khăn, nhất là tuyển dụng nhân sự bởi đa số đã chuyển sang làm công việc khác khi dịch bệnh xảy đến. Có lao động rồi thì doanh nghiệp lại thiếu tài chính để đào tạo lại. Cơ sở vật chất cũng chật vật, không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, các yêu cầu giấy tờ đi lại và bất cập trong chính sách visa cũng ảnh hưởng đến việc chốt được tour, tuyến.
Chúng tôi mong muốn thông qua phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những khó khăn, bất cập hiện nay của ngành du lịch được mổ xẻ kỹ lưỡng, nhiều chiều. Đồng thời, phân tích và làm rõ kết quả thực hiện các chính sách pháp luật, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm cả thành tích và những mặt hạn chế. Từ đó có những quyết sách mạnh mẽ hơn giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.
Để thu hút du khách quốc tế, tôi nghĩ rằng cần xây dựng chiến lược truyền thông đủ mạnh, mang tầm cỡ quốc gia với sự tham gia từ Trung ương đến địa phương, của doanh nghiệp và cả người dân. Với khách nội địa, cần đa dạng các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương và đẩy mạnh liên kết vùng, miền. Quan trọng là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách thu hút nhân lực; tổ chức đào tạo tại địa phương để trong bất cứ mọi hoàn cảnh khó khăn nào ngành vẫn sẽ có thể trụ vững.