Sáng 21-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách nội địa và quốc tế đến tỉnh này.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế – xã hội, Quảng Nam xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn và phù hợp với chỉ đạo chung”. Theo lộ trình đưa ra, Quảng Nam dự kiến đón khách trong tỉnh và các địa phương gần kề vào cuối tháng 10, đến đầu tháng 12 thí điểm đón khách trên cả nước và tiến tới mở rộng đón khách từ tháng 1-2022. Quảng Nam cũng dự tính đón khách quốc tế bất kể thời điểm nào khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu, các DN đều khẳng định đã sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại để sớm phục hồi ngành du lịch. Trong đó, quan điểm nhất quán là du lịch phải thực sự an toàn, phải sớm phủ vắc-xin cho người làm du lịch và người dân tại điểm đến nhằm bảo đảm mở cửa du lịch phải bền vững, phải mở hẳn, dài lâu chứ không nên mở rồi đóng bởi DN đã cạn kiệt nguồn lực. Một số ý kiến cho rằng Quảng Nam cần linh hoạt hơn trong việc xác định lộ trình mở cửa đón khách, nếu đến tháng 12 mới đón khách nội địa thì khả năng sẽ chậm nhịp so với các địa phương khác.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá cao tỉnh Quảng Nam đã có sự chủ động, hành động quyết liệt, cụ thể để khôi phục hoạt động du lịch. Ông tin tưởng trong thời gian tới, du lịch Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại.
Chiều cùng ngày, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TP HCM cũng tổ chức hội nghị “Liên kết du lịch giữa TP HCM và Khánh Hòa trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19”.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết 97% người dân trên 18 tuổi ở Khánh Hòa đã tiêm vắc-xin mũi 1 và hơn 50% người dân tiêm mũi 2. Địa phương hiện có hơn 40.000 nhân sự du lịch, trong đó hơn 30.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Đây là những môi trường “du lịch xanh”, “nhân sự xanh” – điều kiện quan trọng để mở cửa du lịch trở lại.
Ông Hoàng đề nghị giữa 2 địa phương Khánh Hòa – TP HCM cần có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế, du lịch. “Hy vọng ngành du lịch 2 địa phương có những buổi sinh hoạt định kỳ, hằng quý có các buổi thảo luận để tổng kết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; kết nối với các tỉnh khác như Bình Thuận, Lâm Đồng thành một hành trình xanh” – ông Hoàng đề xuất.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng việc 2 địa phương đã tiêm phủ vắc-xin cho phần lớn người dân là điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh du lịch nội địa. Ông đề nghị các địa phương tạo điều kiện về hàng không, đường bộ, đường sắt và cả tàu biển để DN có kế hoạch đưa khách và đưa các sản phẩm du lịch đến Khánh Hòa.
Các DN du lịch ở TP HCM cũng cho biết đã sẵn nguồn khách và các hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện được. Do đó, để phục hồi du lịch, ngoài tiêu chí theo Bộ Y tế, các DN đề nghị tỉnh Khánh Hòa quan tâm, có hành lang cụ thể đối với khách nội địa, có các bộ hướng dẫn, các tiêu chí cụ thể để DN dễ dàng hoạt động. Ví dụ, tiêu chí áp dụng với người lớn đã tiêm vắc-xin, còn trẻ em thì như thế nào? Bởi lẽ, các gia đình thường có trẻ em đi theo nên tiêu chí an toàn là rất quan trọng. Địa phương cũng cần truyền thông cho khách hiểu thế nào là điểm đến “xanh” an toàn và an toàn như thế nào…