Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số đề án và chương trình hành động cụ thể.
Một trong những sáng kiến nổi bật là đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Lào và các quốc gia khác nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, kế hoạch phát triển các tuyến du lịch đường biển và đường bộ cũng đang được đẩy mạnh.
Chương trình Hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025 tiếp tục được triển khai với trọng tâm phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Cùng với đó, chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026-2030 cũng đang được xây dựng, nhằm khẳng định vị thế ẩm thực Việt trên bản đồ quốc tế.
Về công tác quảng bá, ngành du lịch sẽ xây dựng các chiến dịch truyền thông mới mẻ, sáng tạo nhằm góp phần phát triển du lịch Việt Nam theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững.
Việt Nam sẽ tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm, bao gồm Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Berlin 2025 (Đức), Hội chợ Travex 2025 (Malaysia) cùng nhiều hoạt động quảng bá khác.
Năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với năm trước; khách nội địa đạt khoảng 110 triệu lượt, tăng 1,6%. Tổng thu từ du lịch ước tính đạt 840.000 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.Trong 11 tháng đầu năm, Hàn Quốc dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam với 4,1 triệu lượt, chiếm 26% thị phần. Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, Úc và Campuchia. Ở châu Âu, Anh đứng đầu với hơn 279.000 lượt khách, sau đó là Pháp, Đức, và Nga.