Ngành du lịch cần thay đổi chiến lược, thay vì chú ý số lượng khách bao nhiêu, cần quan tâm tới tổng thu đóng góp vào nền kinh tế, cùng với đó là phát triển bền vững.
Thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), ngành du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế; Thái Lan khoảng 40 triệu khách. Pháp là quốc gia có khách nước ngoài đến du lịch nhiều nhất thế giới với gần 90 triệu lượt.
Những con số trên được ông Hưng Phạm, Giám đốc Doanh thu – Wyndham Garden Cam Ranh Resort – chia sẻ tại Hội thảo “Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 7/12.
Theo ông Hưng, 13/90 triệu khách quốc tế tới Pháp là người từ Anh, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Khách di chuyển qua đường hầm eo biển Manche vào Pháp du lịch rất dễ. Luồng khách này cũng giống như khách Trung Quốc bên kia biên giới đối với thị trường Việt Nam, từ đó, rất dễ hiểu sự tác động từ chính sách Zero Covid tại Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2019, Việt Nam có 5,8/18 triệu khách du lịch là người Trung Quốc thì Thái Lan có tới 11/40 triệu lượt khách Trung Quốc. Bởi vậy, chính sách Zero Covid tại quốc gia tỷ dân còn gây thiệt hại nhiều hơn tới ngành du lịch Thái Lan.
Quay trở lại với du lịch nội địa, ông Hưng cho rằng, điểm tích cực là năm qua khách du lịch trong nước tăng mạnh, đạt khoảng 100 triệu lượt (năm 2019 là 86 triệu lượt). Đơn cử, khách sạn Park Hyatt Saigon giá phòng tới 6-7 triệu/đêm, không gồm ăn sáng mà công suất phòng những ngày này lên tới 90%. Điều này chứng tỏ du lịch Việt có những tín hiệu tích cực.
Tương tự, bà Bùi Thị Thu Huyền, Giám đốc Kinh doanh Khách sạn Renaissance Riverside Saigon, thông tin, tháng 11/2022, nhiều khách sạn đạt doanh thu cao nhất từ trước tới nay ở một số mảng như buồng phòng, đặt tiệc… Có những con số đạt được với tỷ lệ không ngờ, nhiều đơn vị chưa bao giờ thấy từ trước tới nay.
Cần chất thay vì lượng
Theo bà Huyền, khách du lịch nội địa vô cùng tiềm năng và đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với những năm trước đây. Người Việt Nam mong muốn đi du lịch, trải nghiệm nhiều hơn. Đây là xu thế cần nắm bắt.
Bên cạnh đó, đối với thị trường quốc tế, cần hướng tới các quốc gia tiềm năng mới như Ấn Độ, tận dụng cột mốc như kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ để có các chương trình thu hút khách. “Những ngày này, khách du lịch Ấn Độ xuất hiện rất nhiều tại TP.HCM. Họ là đối tượng khách thích khám phá và trải nghiệm”, bà Huyền nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay, ngành du lịch giai đoạn trước coi trọng số lượng hơn chất lượng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chỉ nghĩ đến số lượng. Tuy nhiên, Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 sẽ định hướng nhấn mạnh yếu tố chất lượng.
“Không cần quan tâm số lượng khách là bao nhiêu, quan trọng là tổng thu đóng góp vào nền kinh tế. Đi cùng với đó là phát triển bền vững, giữ được tài nguyên”, ông Tuấn cho biết.
Tới đây, ngành du lịch cần bớt phụ thuộc vào những thị trường lớn quen thuộc, hướng tới khai thác thị trường khách quốc tế mới như Ấn Độ, Trung Đông…
Đối với dòng khách nội địa, nhiều khách sạn, resort trước đây không có bóng dáng khách Việt thì giờ cần thích ứng và quan tâm tới đối tượng này. Bởi, lượng khách trung lưu có khả năng chi tiêu cao tại Việt Nam không nhỏ.
Giai đoạn dịch Covid-19, khách sạn JW Marriott Hà Nội đã sáng tạo khi đón luồng khách gia đình ngay tại thủ đô, để họ thưởng thức dịch vụ khách sạn 5 sao tại chỗ. Nhờ nguồn thu đó nên trong giai đoạn khó khăn, đơn vị vẫn duy trì được đội ngũ nhân sự, không sa thải lao động nào. Đó là bài học thích nghi từ một khách sạn cao cấp, đại diện Tổng cục Du lịch nêu ví dụ.