Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2024 ước đạt gần 1,3 triệu lượt khách tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023; quý III/2024, ước đạt gần 3,8 triệu lượt khách tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng năm nay ước đạt hơn 12,7 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Về mục tiêu Việt Nam đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, dưới góc nhìn thống kê, bà Đinh Thị Thúy Phương – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho biết: “Để đạt được mục tiêu đón được 18 triệu lượt khách quốc tế, trong 3 tháng cuối năm phải đạt gần 5,3 triệu lượt khách, bình quân hơn 1,76 triệu lượt khách/tháng. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn”.
Vụ trưởng Đinh Thị Thúy Phương lý giải, năm 2019 (năm trước dịch COVID-19) là thời kỳ hoàng kim của du lịch, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, quý IV/2019 cũng chỉ đạt hơn 5,1 triệu lượt khách, bình quân đạt hơn 1,71 triệu lượt khách/tháng. Do đó, cần nhiều nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024.
“Đối với mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế, trong 3 tháng cuối năm 2024 phải đạt gần 4,3 triệu lượt khách, bình quân hơn 1,43 triệu lượt khách/tháng. Do quý IV hằng năm là mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế nên mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là khả thi, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi”, Vụ trưởng Đinh Thị Thúy Phương nhận định.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho rằng, mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hoạt động du lịch nhanh chóng được phục hồi.
“Do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2024 hoàn toàn nằm trong khả năng của du lịch Việt Nam”, ông Phúc nói.
Tăng cường giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, bà Đinh Thị Thúy Phương – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ đề xuất, tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành vận tải (hàng không, đường sắt,…); dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; bán lẻ hàng hóa… Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới thay vì tập trung vào một số thị trường truyền thống. Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và tổ chức các sự kiện quan trọng trong những tháng cuối năm 2024. Một số sự kiện đáng chú ý như Lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam; Liên hoan ẩm thực toàn quốc tại Điện Biên; Gian hàng giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ WTM Anh 2024. Việt Nam cũng sẽ tham gia Hội chợ CITM 2024 tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) lần thứ 11 và Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism tại Quảng Nam.
Đại diện Cục Du lịch quốc gia nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách quốc tế cao cấp (về tự nhiên, văn hóa phong phú, đa dạng; chính trị ổn định, an toàn; con người thân thiện…). Để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là rất quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch.