• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Du lịch rộng cửa vẫn vắng khách quốc tế

    Monday, 26-12-2022 / 10:06:51 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    253 View

    Việt Nam là một trong những nước mở cửa đón khách quốc tế trở lại sớm nhất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng lượng khách đến trong năm 2022 còn khiêm tốn

    Những ngày cuối năm luôn là mùa cao điểm đón khách quốc tế của ngành du lịch. TP HCM, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, liên tục tổ chức những sự kiện quy mô quốc tế để quảng bá, giới thiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước. Những điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh… cũng có nhiều sự kiện hấp dẫn nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa như kỳ vọng.

    Rào cản lớn về thủ tục

    Theo ước tính của ngành du lịch, năm 2022, cả nước chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách đề ra hồi đầu năm dù được đánh giá là điểm đến cởi mở nhất thế giới khi mở cửa từ ngày 15-3-2022. Nếu so với 18 triệu lượt khách trong năm 2019 – trước dịch COVID-19, kết quả này là hết sức khiêm tốn.

    Nhìn qua Thái Lan, một trong những điểm đến thường được so sánh với du lịch Việt Nam vì có nhiều nét tương đồng, đến đầu tháng 12-2022, nước này đã chính thức đón 10 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu lên tới 14 tỉ USD, bỏ xa kế hoạch cả năm.

    Dưới góc nhìn của một du khách, ông Võ Quang Huệ, nguyên Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết ông vừa có chuyến du lịch Thái Lan vào đầu tháng 12 và “choáng” với số lượng khách quốc tế tới nước này. Khách Nga, châu Âu… xếp hàng “rồng rắn” đến đây để tránh mùa đông giá rét.

    Ngoài yếu tố giá cả – từ tiền khách sạn, vui chơi, giải trí, ăn uống và đi lại – rẻ một cách bất ngờ nếu so sánh GDP bình quân đầu người giữa Việt Nam và Thái Lan, điều làm ông Huệ ngạc nhiên hơn là có cặp vợ chồng người Áo cho hay đã tới nước này 10 lần kể từ năm 2003. “Du lịch của Thái Lan phải tốt thế nào và để lại ấn tượng ra sao thì khách quốc tế mới quay lại nhiều như vậy” – ông nhận xét.

    Du lịch rộng cửa vẫn vắng khách quốc tế - Ảnh 1.

    Du khách quốc tế tham quan TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

    Chuyên gia du lịch Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến khách nước ngoài đến Thái Lan đông mà tới Việt Nam èo uột sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là chính sách thị thực nhập cảnh (visa). Cụ thể, Thái Lan đã miễn visa du lịch cho 65 nước, còn Việt Nam chỉ 24 nước (bao gồm các nước ASEAN). Thái Lan cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần, trong khi Việt Nam chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào chỉ 1 lần.

    “Không có cách nào để du lịch Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan vì mức vênh lớn đến như thế về chính sách visa. Ngay cả visa điện tử (e-visa) của Việt Nam cũng bất tiện hơn. Visa-on-Arrival (visa tại sân bay) của chúng ta vẫn phải xin phê duyệt trước, thay vì cứ tới rồi xin trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khuyến khích du lịch, họ có nhiều cách cho du khách chọn lựa. Có thể nói visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch, hàng không Việt Nam” – ông Lương Hoài Nam phân tích.

    Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet Đinh Việt Phương cho hay năm 2022, du lịch nội địa đã có bước quay trở lại ngoạn mục khi số chuyến bay tăng tới 16% so với năm 2019. Việt Nam cũng là một trong 25 thị trường hàng không nội địa phục hồi tốt nhất thế giới. Đặc biệt, đường bay Hà Nội – TP HCM nằm trong danh sách 4 đường bay bận rộn nhất toàn cầu.

    Thế nhưng, trái ngược với nội địa, thị trường du lịch quốc tế lại ảm đạm hơn rất nhiều, nhất là khi so sánh với Thái Lan hay Singapore. Lãnh đạo Vietjet cũng nhấn mạnh rào cản đầu tiên cần phải tháo gỡ chính là vấn đề visa.

    “Visa và trang web visa điện tử cần phải xem xét thay đổi. Chúng tôi đã tiên phong “gõ cửa” thị trường Ấn Độ nhằm bù đắp thiếu hụt khi các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Bắc Á chưa mở cửa trở lại. Thực tế cho thấy nhu cầu của thị trường này rất lớn nhưng lại vướng vấn đề thị thực. Chúng tôi đề nghị sớm giải quyết vấn đề này để ngành hàng không và du lịch sớm có điều kiện phục hồi” – ông Đinh Việt Phương đề xuất.

    Trước những nút thắt về visa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này. Đặc biệt, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tới du lịch và đi lại trong nước; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho du khách quốc tế…

    Cần có giải pháp đồng bộ, trọng điểm

    Tại dự thảo báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng cục Du lịch dự kiến đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa trong năm tới.

    Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt…

    Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ Du lịch ITB ở Berlin – Đức; Hội chợ Du lịch WTM tại London – Anh. Ngành du lịch cũng sẽ tổ chức truyền thông về điểm đến Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.

    Nhận định về kế hoạch thu hút khách du lịch năm 2023, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure – đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng, cho rằng khi nói đến mục tiêu khách quốc tế, cần phân loại thị trường. Cụ thể, khi khu vực Đông Bắc Á gồm Trung Quốc (cả Đài Loan), Nhật Bản và Hàn Quốc mở cửa hoàn toàn, Việt Nam có thể đón khoảng 12 triệu khách quốc tế năm 2023. Riêng nhóm khách này có thể đạt 8 triệu; nhóm còn lại thuộc châu Âu, Mỹ và Úc. Ngược lại, nếu Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, để đạt được 8 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam là rất khó.

    Theo ông Nguyễn Châu Á, 2 nhóm khách nêu trên đi du lịch với mục tiêu, nhu cầu khác nhau. Ngành du lịch đang chủ yếu sống nhờ nhóm khách Âu – Mỹ vì khách Đông Bắc Á sẽ đi theo chuỗi riêng. Chẳng hạn, khách Trung Quốc ở khách sạn người Trung Quốc làm chủ và ăn nhà hàng, mua sắm của cửa hàng nước họ; chưa kể họ cũng thanh toán bằng ứng dụng (app) riêng. Chi tiêu chủ yếu của họ chỉ là tiền vé tham quan. Do đó, việc gộp chung 2 nhóm thành 8 triệu lượt khách đến chỉ giải quyết vấn đề thành tích.

    “Năm 2019, nhóm khách Âu – Mỹ đạt 6 triệu lượt. Nếu đặt mục tiêu thì năm 2023, ngành du lịch Việt Nam nên phấn đấu đón được 4 triệu khách nhóm này để đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho kinh tế” – ông Á góp ý.

    Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho rằng cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và trọng điểm để thu hút khách quốc tế. Trong đó, ông nhấn mạnh Việt Nam đã mất khách từ một số thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc trong năm 2022. Trong năm 2023, cần tập trung có giải pháp ngay với thị trường khách truyền thống vì đây sẽ là nhóm quay lại nhanh nhất, đồng thời mở ra các thị trường mới.

    Kinh nghiệm từ các nước

    Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, kinh nghiệm từ các nước trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế sau tác động của đại dịch cho thấy các nhóm biện pháp mang lại hiệu quả gồm: chính sách về xuất nhập cảnh – tạo thuận lợi, kéo dài thời gian lưu trú của khách; chính sách về hỗ trợ hàng không – tạo điều kiện mở rộng kết nối các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm.

    Bên cạnh đó, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch để đáp ứng nhiều nhu cầu của khách quốc tế hơn; áp dụng chính sách linh hoạt cho khách quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong hoạt động kinh doanh sớm phục hồi sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, như: Chính phủ kết hợp với các địa phương tổ chức nhiều chiến dịch quy mô lớn quảng bá các điểm đến vốn còn vắng vẻ, thu hút những người ưa khám phá; xây dựng kế hoạch, chiến lược marketing du lịch trong bối cảnh mới; đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, thúc đẩy du lịch MICE. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

    (Còn tiếp)

    Source : Người Lao Động
    Latest news