Tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế WTM London 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã truyền đi thông điệp tới bạn bè du khách quố tế: Việt Nam sẵn sàng và muốn truyền tải thông điệp mời gọi du khách quốc tế hãy đến và có trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành du lịch Việt Nam luôn đặt mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, và luôn sẵn sàng và có các phương án đảm bảo khách đi du lịch được an toàn trước dịch bệnh.
Trước hết các điểm đến cần chuẩn bị để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách, gồm: làm mới sản phẩm, tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của dịch bệnh; chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho khách; tạo thuận lợi trong kết nối hàng không; và cuối cùng là gửi thông điệp về sự sẵn sàng của điểm đến.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sự cạnh tranh chính là thách thức lớn nhất giữa các điểm đến. Các điểm đến phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường đã thay đổi. Ngoài ra là các yếu tố như tâm lý e ngại sau dịch bệnh, xung đột, kinh tế phát triển chậm… có thể làm giảm nhu cầu du lịch, dẫn đến cạnh tranh để thu hút khách ngày càng tăng lên.
Theo Tổng cục trưởng, đại dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trỗi dậy mạnh mẽ trong ngành du lịch. Quá trình này cũng đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, các hoạt động e-marketing, kết nối qua mạng xã hội là công cụ duy nhất để cung cấp thông tin, truyền thông, quảng bá và trao đổi. Trong tương lai, công nghệ về số hóa dữ liệu, trí tuệ thông minh nhân tạo AI, các dịch vụ không tiếp xúc, điện toán đám mây sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp thị và kinh doanh du lịch trên toàn thế giới.
Về xu hướng du lịch trong thời kỳ mới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, phát triển bền vững sẽ là xu hướng tất yếu. Du lịch là ngành nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như dịch bệnh, thiên tai.
Vì vậy, càng phải chú trọng đến tính bền vững. Tổng cục trưởng lưu ý, sau tác động của dịch Covid-19, quan điểm “bền vững” được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại việc chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng. Các điểm đến và các doanh nghiệp du lịch sẽ lựa chọn các giải pháp phát triển bền vững để nâng cao năng lực đối phó với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với Việt Nam, Tổng cục trưởng cho biết, để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch độc đáo” để thu hút khách du lịch tới tất cả các điểm đến trên cả nước, tạo sự cân bằng ở các điểm đến./.