Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sáng kiến của Tập đoàn Mường Thanh đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp cho hoạt động kinh doanh lưu trú 2022” và nhận định đây là một hoạt động hưởng ứng tích cực và kịp thời đối với kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022. Đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện.
Các đại biểu đưa ra các giải pháp cho hoạt động kinh doanh lưu trú năm 2022. |
Đánh giá về ngành lưu trú trong năm 2022, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định các cơ sở lưu trú cần quan tâm tập trung vào thị trường trong nước cũng như cần nắm bắt những xu hướng, nhu cầu mới của khách du lịch.
Trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú trong năm 2022, dưới góc độ của người quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam nhận định không chỉ riêng với Tập đoàn Mường Thanh mà còn với tất cả các doanh nghiệp du lịch khác: Cần chuyển dịch trọng tâm định hướng hoạt động, phân bổ nguồn lực, chi phí để khai thác tốt thị trường nội địa; Triển khai các gói sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp về mảng “staycation” – nghỉ dưỡng tại chỗ; Dịch chuyển tập trung tới đối tượng khách lẻ với các chương trình linh hoạt thay vì chỉ phục vụ các đối tượng khách đoàn lớn (trong nước và quốc tế); Liên kết với các bên đối tác, công ty cung ứng dịch vụ (vận tải, lữ hành, OTAs…) để xây dựng và bán các combo trọn gói; Có sự tập trung đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong phân phối sản phẩm trên các nền tảng số; Đẩy mạnh bán các sản phẩm vouchers (có hoặc không thời hạn) để tiếp cận được nhiều thị trường khách hàng…
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông & marketing, nhà báo Lê Quốc Vinh cũng có những phân tích và góp ý về những giải pháp cải tiến sản phẩm dịch vụ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng qua các yếu tố như: khả năng chi trả, đảm bảo an toàn, an tâm về sức khỏe, tính trách nhiệm với môi trường và gia tăng trải nghiệm con người.
Dự báo về thị trường du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam trong năm 2022, thị trường nội địa chính là thị trường cần được chú trọng nhất trong giai đoạn tới, các thị trường quốc tế như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Úc cũng sẽ rất tiềm năng và ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với Việt Nam.
Để các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú có thể khai thác tốt các thị trường tiềm năng trên và thích ứng hiệu quả trong tiến trình mở cửa du lịch trở lại, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đã đưa ra một số giải pháp đó là: Cần kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và các hãng hàng không tạo ra những sản phẩm combo dịch vụ để kết nối mở lại thị trường; Đảm bảo yếu tố an toàn phòng chống dịch áp dụng trong tất cả các cơ sở lưu trú; Đầu tư phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; Nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch; Có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông để thu hút thị trường khách bằng nhiều phương thức; Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến cũng như năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp…