Sau thời gian “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, ngành du lịch khu vực Tây Nguyên dường như đang vươn mình theo nhịp chung cùng đất nước. Để ngành “công nghiệp không khói” từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho kinh tế-xã hội của vùng thì các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm…
Tại Hội thảo Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu: “Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết luôn được Chính phủ, các cấp chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm.
Nghị quyết số 23 NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giúp cho Tây Nguyên có thêm nhiều cơ hội để phát huy những tiềm năng vốn có, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử…”.
Theo số liệu tổng hợp từ ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên, lượng khách du lịch đến với vùng đất đại ngàn liên tục tăng những năm gần đây. Hoạt động du lịch dịch vụ cộng đồng của các tỉnh khởi sắc, lượng khách quốc tế và doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2022 tăng so với năm 2021, trong đó Lâm Đồng có số lượt khách cao nhất trong toàn vùng với 7 triệu lượt khách (tăng 340%), doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng (tăng 122%); thứ hai là Đắk Lắk có số lượt khách gần 1 triệu lượt (tăng 141%), doanh thu 837 tỷ đồng (tăng 135,8%); Đắk Nông doanh thu 65 tỷ đồng và 300 lượt khách.
Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch có tính chất kết nối, xuyên suốt cho toàn vùng đã được các tỉnh Tây Nguyên chú trọng và phù hợp với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay thông qua sản phẩm, chương trình du lịch như “Con đường Di sản miền trung-Tây Nguyên”; “Đường Trường Sơn huyền thoại”; “Con đường xanh Tây Nguyên” tour “Carnaval hành lang kinh tế Đông-Tây”… đi qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, với tiềm năng và bản sắc văn hóa đặc trưng, du lịch Tây Nguyên muốn phát triển bền vững phải dựa vào cộng đồng-một loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân địa phương và không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Phát triển bền vững du lịch văn hóa Tây Nguyên sẽ không làm phá vỡ tính ổn định xã hội; kinh tế vẫn tăng trưởng, văn hóa không bị đứt gãy, môi trường không bị ô nhiễm, rừng không mất dần; đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số thật sự được hưởng lợi và có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
“Nói đến Tây Nguyên là nói đến văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa, không thể phát triển kinh tế du lịch ở Tây Nguyên mà không lưu tâm đến di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vì vậy, muốn giải quyết mối quan hệ giữa phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, thì phải khai thác di sản văn hóa ngay trong chính cuộc sống của đồng bào trong từng buôn làng ở Tây Nguyên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Trưởng khoa Kinh tế, Trường đại học Tây Nguyên) nêu.
Biến tài nguyên thành tài sản
Thực tế cho thấy, một khi cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhận thức được ý nghĩa nền tảng và động lực của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa thì chính họ là chủ thể quan trọng có thể giải quyết được những mâu thuẫn do thực tiễn văn hóa đặt ra. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc định hướng và tạo điều kiện cho văn hóa Tây Nguyên phát triển chứ khó có thể tham gia vào quá trình sáng tạo.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tuy có nhiều cách làm khác nhau nhưng các tỉnh Tây Nguyên từng bước đã biết tận dụng và khai thác tốt các di sản văn hóa, biến các di sản văn hóa trở thành tài sản của mỗi địa phương. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người khi không còn coi văn hóa chỉ là cái đuôi của kinh tế, ăn theo kinh tế.
Chính vì vậy mà nhiều địa phương Tây Nguyên hiện nay đã có sự lựa chọn mô hình phát triển, theo hướng du lịch-dịch vụ và đang từng bước chuyển hóa thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh làng nghề, bán đồ lưu niệm, các dịch vụ du lịch có tính cạnh tranh cao, thu hút như ăn uống, khách sạn, giao thông vận tải… tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư để phát triển bền vững.
Để phát triển kinh tế du lịch thì việc tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa đa dạng có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ sự chi tiêu cho văn hóa du lịch không chỉ thuần túy là nghỉ dưỡng mà còn là mua sắm, thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền và hiện đại. Thực tế cho thấy khách du lịch đến Tây Nguyên chưa chi tiêu nhiều để mua sắm sản phẩm văn hóa, nguyên nhân không phải là du khách không có tiền, mà sản phẩm văn hóa ở đây còn đơn điệu và quá ít ỏi; các biểu tượng văn hóa của từng địa phương Tây Nguyên chưa được xây dựng một cách chu đáo trong các sản phẩm văn hóa.
Du lịch và ngành kinh tế du lịch trong tương lai ở Tây Nguyên cần xây dựng một kế hoạch dài hạn, không thể không gắn kết, liên kết vùng và liên vùng. Chẳng hạn, 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên đang xúc tiến liên kết phát triển du lịch nhằm kết hợp văn hóa rừng với văn hóa biển, với các di sản văn hóa đặc thù như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng nhà rông, lễ mừng lúa mới, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, lễ hội Đầm Ô Loan, lễ hội Cá Ông… là hướng đi đúng cho giai đoạn tới.
“Phải biến di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái bền vững, mang đậm bản sắc Tây Nguyên theo hướng công nghiệp văn hóa và phải có những di sản đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, di sản không thể “tự chạy đến” với chúng ta và bản thân di sản cũng không phải ngay lập tức hội đủ những điều kiện mà du khách mong muốn.
Vì vậy, các địa phương phải quan tâm tìm kiếm, phát hiện, thẩm định; rồi sau đó, phải thường xuyên chăm chút, bảo tồn, phát huy giá trị… để di sản ngày càng đẹp lên cả về nội dung, hình thức và đủ sức biến thành “tư liệu sản xuất” cho ngành du lịch văn hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Gia Lai) kiến nghị.
Tài nguyên tự nhiên rồi có thể bị cạn kiệt nhưng tài nguyên du lịch (sản phẩm kết tinh từ văn hóa) thì lại được bồi đắp, sinh sôi không ngừng, nó trở thành một nguồn tài sản vô giá. Việc khai thác tốt các nguồn tài nguyên văn hóa không chỉ làm tăng thu nhập cho nhiều người dân bản địa mà sẽ còn góp phần làm giàu có thêm bản sắc cộng đồng của các tỉnh Tây Nguyên.
Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức giữa tháng 11/2023 với sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp, các trường đại học, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tại hội thảo, có 50 tham luận tham gia, đưa ra nhiều ý kiến hiến kế cho du lịch; đồng thời sẽ là cơ sở để các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương có giải pháp đột phá phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.