Chị Nguyễn Thu Giang (Mai Dịch, Hà Nội) cùng nhóm bạn lên kế hoạch đi du lịch đến miền Tây theo hình thức tự đi trải nghiệm Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau trong tháng 4 bởi giá vé khá rẻ. “Tính cả thuế phí, giá vé khoảng tầm 300.000 đồng. Giá vé rẻ, cộng thêm các dịch vụ khác hấp dẫn nên nhóm chúng tôi quyết định đi du lịch tới miền Tây sông nước”, chị Giang chia sẻ. Đây cũng là tâm lý của người muốn được dịch chuyển sau một thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế đi lại tại một số địa phương.
Trong khi đó, đại diện Vietravel Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai kích cầu đặt phòng – tặng vé máy bay. Với sự vận hành từ hãng hàng không Vietravel Airlines, đơn vị sẽ đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn đến các điểm du lịch trong cả nước, trong đó có hướng dẫn sử dụng dịch vụ du lịch, điểm đến từ chính các tiếp viên hàng không.
Ngay trong tháng 3 này Vietravel Airlines cũng với CLB lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát tuyến du lịch Nam Trung Bộ – Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn ông Lương Duy Doanh, chủ homestay Nặm Đíp (Lâm Bình, Tuyên Quang) cho biết: Ngay sau có những thông tin dịch COVID-19 được khống chế, nhiều nhóm du khách đã đặt phòng kín từ nay đến hết tháng 4/2021. Không chỉ cuối tuần mà cả những ngày trong tuần cũng có nhiều khách đặt dịch vụ. Điều đó cho thấy, du lịch đang trở thành món ăn tinh thần với nhiều gia đình.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một số địa phương đã triển khai rất tốt chương trình du lịch nội địa 2021. Ngay khi dịch được khống chế, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã cung cấp thông tin các dịch vụ du lịch, chính sách ưu đãi… Còn CLB du lịch bền vững Hà Nội cũng đã giới thiệu các sản phẩm tour vòng cung Tây Bắc – mùa ban nở đang được nhiều khách ở Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn. Hiệp hội và Tổng cục Du lịch sẽ sớm có kế hoạch truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tạo lòng tin giới thiệu điểm đến.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các điểm du lịch cần có kế hoạch chuẩn bị để không rơi vào thế bị động. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Phát triển du lịch nội địa không chỉ là định hướng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mà còn là định hướng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Thu hút khách trong thời gian tới sẽ là sự liên kết giữa các dịch vụ và đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Sự việc khách quá tải tại chùa Tam Chúc vừa qua cho thấy sự bị động tại một số điểm di tích, du lịch khi lượng khách về quá đông. Do đó, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch, lên các phương án, bố trí nhân sự để điều tiết”.
Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Bộ VHTTDL có công văn đề nghị các địa phương, nhất là các điểm di tích, điểm du lịch dự báo có đông người đến phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 theo hướng dẫn.
Bộ VHTTDL yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội; các đơn vị chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế; yêu cầu nhân dân thực hiện “Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn – Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế” của Bộ Y tế.
Từ góc độ địa phương, ông Bùi Anh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên cho rằng: “Dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Do đó, để duy trì chất lượng dịch vụ, Nhà nước nên có hoạt động hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ trực tuyến để các địa phương có sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn hậu COVID-19”.
“Hoạt động du lịch khởi động lại được hơn 1 tuần nay nhưng yêu cầu hàng đầu là phòng chống dịch. Do đó, các đơn vị kinh doanh du lịch hướng dẫn khách tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bên cạnh các giải pháp thu hút khách. Các giải pháp thu hút khách sẽ tùy biến theo thực tế nhưng dựa trên nhu cầu thay đổi của khách, chương trình tuyến du lịch sẽ tổ chức theo từng vùng, các điểm đến an toàn, đồng thời với việc đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội cũng lập kế hoạch đón khách quốc tế theo từng thị trường, nhóm khách để không bị động khi Chính phủ cho phép hoạt động đón khách trở lại”, ông Vũ Thế Bình cho biết.