Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm. Tuy nhiên, so với thời điểm trước dịch Covid-19, đây vẫn là con số khá khiêm tốn, buộc ngành Du lịch (DL) các địa phương, trong đó có Quảng Bình phải thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, quảng bá, thu hút, mở rộng nguồn khách quốc tế.
“Phá băng” Covid-19
Sau hai năm bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022, DL Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Với rất nhiều nỗ lực phục hồi, DL các địa phương đã thực sự sôi động trở lại bởi hàng loạt các sự kiện lớn, nhỏ. Nhiều chính sách, dịch vụ mới được vận hành đã tạo điều kiện thuận lợi để khách quốc tế đến và lưu trú lâu hơn tại Việt Nam. Cùng với đó là việc ra đời, tự làm mới các sản phẩm DL đã tăng tính hấp dẫn, đa dạng, khả năng cạnh tranh của thị trường DL, đồng thời tạo sức hút trở lại đối với khách quốc tế.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về phát triển DL Việt Nam nhanh, bền vững, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về DL Việt Nam tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. DL Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại lễ trao giải thưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của DL Việt Nam trên bản đồ DL thế giới.
Với những nỗ lực nhằm phục hồi ngành DL sau các đợt sóng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số 9,97 triệu lượt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với con số này, có thể khẳng định, DL Việt Nam đã thực sự “phá băng” Covid-19, tuy nhiên, so với năm 2019-thời điểm trước dịch, tỷ lệ phục hồi lượng khách DL quốc tế còn thấp. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ VH-TT-DL, với năng lực phục vụ của ngành DL hiện nay có thể đáp ứng được gấp nhiều lần so với số khách như hiện tại.
Đi tìm nút gỡ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lượng khách quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng do doanh nghiệp (DN) DL Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống nhưng các thị trường này lại phục hồi chậm. Trước dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn là thị trường gửi khách quốc tế hàng đầu khi năm 2019, đã có 5,8 triệu lượt khách đến Việt Nam. Nhưng 10 tháng năm 2023, con số này chỉ dừng lại ở mức hơn 1,3 triệu lượt. Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng trong trường hợp tương tự. Trong khi đó, việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng vẫn còn chậm và chưa chủ động.
Sau dịch Covid-19, xu hướng DL cũng có nhiều dịch chuyển. Du khách quốc tế chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm. Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch, giá vé máy bay cao… cũng đã ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
DL Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành DL phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch Covid-19 và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý, DN DL, cùng bắt tay tháo gỡ những “điểm nghẽn”, vướng mắc. Bộ VH-TT-DL đề xuất phương án miễn thị thực ngắn hạn cho khách DL từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm kích cầu DL, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.
Đồng thời mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu DL lớn như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu…
Hơn lúc nào hết, DL Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh, cần khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, kích cầu để thu hút khách DL quốc tế, nhất là các thị trường quốc tế trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng.
Du lịch Quảng Bình cùng vào cuộc
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất cho rằng thời điểm này, các công ty DL cần đưa ra những chiến lược cụ thể để hút khách đến Việt Nam, bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ đã, đang và sẽ làm. “Đây là thời điểm thích hợp để các DN khởi nghiệp loại hình DL B2C (DN làm việc trực tiếp với khách hàng mà không qua DN trung gian-P.V) để đón khách Tây. Để làm được điều này, DN hãy nghiên cứu các sản phẩm DL độc đáo và xây dựng website bán hàng thật tốt, cùng với cách làm marketing phù hợp để tiếp cận du khách”, ông Nguyễn Châu Á khẳng định.
Dự ước năm 2023, DL Quảng Bình đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế hơn 110.000 lượt, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, lượng khách quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 khi chỉ mới đạt khoảng 70% so với năm 2019. Điều đó đòi hỏi ngành DL Quảng Bình cần thực hiện nhiều chính sách kích cầu hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Thực tế thời gian qua, việc hợp tác với các kênh truyền thông quốc tế hay quảng bá qua điện ảnh vẫn là những cách thức quảng bá mang lại hiệu quả rõ nét cho DL Quảng Bình. Từ đó, duy trì được sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách DL trọng điểm trong nước và quốc tế.
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss cho rằng để thu hút khách quốc tế, DL Quảng Bình cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm DL mạo hiểm bên cạnh khám phá hang động. Cần đưa các sản phẩm như leo núi, dù lượn… để thu hút sự tò mò của du khách, từ đó, xây dựng và phát triển DL mạo hiểm của Quảng Bình xứng với danh hiệu kinh đô DL mạo hiểm của châu Á.
“Trước hết, điều cần làm là tỉnh cần đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng cho khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, trái tim DL Quảng Bình để nơi đây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách quốc tế”, ông Dũng đề xuất.
Thời điểm này, lượng khách quốc tế đến Quảng Bình cũng đang có dấu hiệu tăng lên, nhất là khi các tour mạo hiểm khám phá hang động bắt đầu mở cửa trở lại. Một số đơn vị lữ hành cũng đã mở bán tour năm 2024. Trong đó, tour Sơn Đoòng 2024 đã gần kín chỗ và bắt đầu mở bán cho năm 2025. Những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành DL địa phương và nếu có những cách thức quảng bá hiệu quả, đi vào chiều sâu, DL Quảng Bình sẽ tiến xa hơn trên hành trình chinh phục du khách quốc tế.