Một trong những kết quả nổi bật của năm 2022 là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với năm trước. Từ số liệu 11 tháng, có thể kỳ vọng cả năm sẽ cán mốc 3,33 triệu lượt người.
Trong 11 tháng 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt được nhiều sự vượt trội, tăng cao so với cùng kỳ năm trước, 11 tháng năm nay đạt 2.954,2 nghìn lượt người, cao gấp trên 21 lần, hay tăng 2.814,1 nghìn lượt người. Mới qua 11 tháng đã cao gấp nhiều lần mức cả năm 2021. Đây là dấu hiệu phục hồi lượng khách trong thời gian tới.
Lượng khách du lịch cũng tăng cao ở tất cả các châu lục. Châu Á đông nhất, chiếm 70,27%, cao gấp gần 17,5 lần, hay tăng 1.957 nghìn lượt người. Châu Âu đạt đông thứ 2 với 415,57 nghìn người, chiếm 14,1%, cao gấp 29,8 lần, hay tăng 401,6 nghìn lượt người. Châu Mỹ đông thứ 3, chiếm 10,9%, với 323,4 nghìn lượt người, cao gấp 67,1 lần, hay tăng 275,2 nghìn lượt người. Châu Úc đông thứ 4 với 129,7 nghìn lượt người, chiếm 4,4%, cao gấp 115,7 lần, hay tăng 125,6 nghìn lượt người. Châu Phi ít nhất, chỉ chiếm 0,3%, với 9,51 nghìn lượt người, cao gấp 74,1 lần, hay tăng 9,39 nghìn lượt người.
Không những vậy, khách du lịch đến Việt Nam còn tăng cao ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mới qua 11 tháng đã có 10 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 100 nghìn lượt người, cao nhất là Hàn Quốc, tiếp đến là Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Trung Quốc, Đài Loan. Đây là những nước và vùng lãnh thổ có mức chi tiêu bình quân một ngày thuộc loại cao. Đáng chú ý, Trung Quốc vốn là nước trong nhiều năm trước luôn đứng đầu nay tụt xuống đứng thứ 9, cách khá xa nước đứng đầu, lý do là nước này đang thực hiện chính sách Zero Covid-19.
Còn cách khá xa so với trước đại dịch
Nếu kỳ vọng trên đạt được thì nhiều chỉ tiêu có liên quan khác cũng được cải thiện nhiều so với năm đáy 2021 như: Mật độ khách/100 dân tuy chỉ đạt khoảng 3,6, nhưng đã vượt khá xa so với mật độ 0,16 của năm 2021. Nếu bình quân 1 lượt khách chi tiêu đạt như mức của 9 tháng (1.941 triệu USD đạt được từ xuất khẩu dịch vụ du lịch, chia cho 1.872,9 nghìn lượt khách, bằng 103,64 USD, cao hơn mức tương ứng của cùng kỳ năm trước là 93,4 USD/lượt khách), thì cả năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch sẽ đạt 3.793 triệu USD, cao gấp 25,5 lần hay tăng 364 triệu USD so với năm 2021 và cao hơn mức 3.232 triệu USD của năm 2020 – tức là tăng 6,6%, hay tăng 561 triệu USD so với năm 2020. Đó là một kết quả tích cực để dần phục hồi mức kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch trước đại dịch Covid-19.
Tuy có xu hướng cao lên, nhưng năm 2022 còn cách khá xa so với trước đại dịch cả về lượng khách, mật độ khách/100 dân, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch… Do vậy, có một số vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trước hết, cần nhận thức rõ hơn về vai trò của khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là “mỏ vàng trắng” theo ý nghĩa là nguồn thu ngoại tệ không nhỏ đối với đất nước để đầu tư phát triển, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, khai thác thế mạnh về du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách… ở nhiều vùng.
Đây là phương thức giới thiệu trực tiếp một cách sinh động, có tính thuyết phục hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới, cả về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa; công cuộc đổi mới với sự thay đổi về cơ chế quản lý, khởi nghiệp, làm ăn, diện mạo đô thị và nông thôn; cả về ẩm thực đa dạng, phong phú, ưa thích; giá cả thấp… Đây cũng là cầu nối, tạo điều kiện cho nhiều mối quan hệ về đầu tư, thương mại, cũng như nhiều quan hệ khác…
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bình quân 100 dân của Việt Nam còn thấp. Số khách quay trở lại lần 2 còn ít. Sự kết nối, liên thông giữa T.Ư, địa phương, giữa các địa phương cần được chặt chẽ hơn. Các cơ sở cần bổ sung thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, mua sắm, chợ đêm, trò chơi giữa chủ và khách.
Hướng dẫn viên du lịch vẫn còn hạn chế về ngoại ngữ, kỹ thuật chuyên môn để hấp dẫn khách. Việc “chèo kéo” khách đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Du lịch nói “nôm na” là ăn chơi, mà ăn chơi thì không nhiều người sợ tốn kém, trong đó có việc ăn, ở, đi lại, đặc biệt là mua sắm các vật lưu niệm còn thấp… Những hạn chế này cần được sớm khắc phục để du lịch thực sự lấy lại mức tăng trưởng như trước giai đoạn dịch và bứt phá trong các năm tiếp theo.