Dấu mốc mở cửa từ 15/3 được nhiều người làm du lịch đánh giá có tác dụng “đánh động” là chính. Cho tới trước ngày mở cửa một ngày, phương án đón khách vẫn chưa được phê duyệt. “Chính vì thế các công ty lữ hành chỉ tạm thời nghe ngóng, chưa hối thúc khách vào Việt Nam vội. Thực tế khách quốc tế đón nhận khá tích cực thông tin Việt Nam mở cửa, thế nhưng họ cần thông tin rõ ràng. Cứ nói chủ trương cho mở cửa, nhưng cụ thể cần làm gì, văn bản hướng dẫn ra sao, điều kiện cách ly y tế hay xét nghiệm như thế nào phải rõ ràng, phải có kế hoạch. Ngày mai mở cửa, hôm nay vẫn chưa chốt phương án”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO cty AZA Travel bày tỏ.
Không riêng ông Đạt mà các công ty lữ hành, đơn vị kinh doanh du lịch cũng như ngồi trên đống lửa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trình phương án đón khách quốc tế theo hướng cởi mở hơn so với giai đoạn thí điểm. “Rõ ràng thí điểm đón khách quốc tế vừa rồi không thành công, số lượng chỉ chưa đầy 10 nghìn khách quốc tế quá ít ỏi. Chính phủ kêu gọi phục hồi du lịch nhưng cánh cửa cho khách quốc tế vẫn đang đóng”, ông Đạt nói.
Khách quốc tế rục rịch quay trở lại Phú Quốc. Ảnh: Kỳ Sơn |
Người làm du lịch vẫn khá hoang mang trước các quan điểm khá mâu thuẫn do Bộ Y tế đề xuất. Sau khi đề xuất cách ly khách quốc tế nhưng bị phản đối, họ vừa đưa ra quan điểm không cần quan tâm tới chứng chỉ tiêm chủng của khách quốc tế. Điều này dễ dẫn tới hệ lụy khách quốc tế chưa tiêm có thể nhiễm bệnh khi du lịch Việt Nam, xác suất trở nặng do chưa tiêm ngừa sẽ cao hơn. Trách nhiệm đè nặng lên vai công ty lữ hành.
Nhật Huy
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch (HHDL) tỉnh Kiên Giang cho biết, trước thông tin ngày 15/3 Chính phủ sẽ mở cửa đón khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thì tâm trạng của những người làm du lịch vừa mừng, vừa lo. “Mừng vì đây là tín hiệu vui, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và ngành du lịch nhằm phục hồi nhanh chóng. Khách quốc tế tạo ra doanh số lớn cho ngành du lịch bởi khả năng chi trả lớn hơn nội địa, giúp giải quyết bài toán phục hồi cho ngành du lịch”, ông Huy nói. Hiện nay, một số đối tác như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… cũng đang băn khoăn và đang đợi thông báo chính thức từ Việt Nam để họ có kế hoạch triển khai các tua tuyến cho khách tham quan.
Xác định trước mắt vẫn phục vụ khách nội địa là chính cho nên bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Sun World (Sun Group) cho hay vẫn thực hiện phương án đón khách trước đó trong khi chờ đợi phương án mới được thông qua. Bà Nguyện cho biết đã nhận được lời mời dự sự kiện triển khai phương án đón khách quốc tế vào 15/3 tại Văn phòng Chính phủ, sẽ có đầy đủ các lãnh đạo Bộ, ngành liên quan. Điều mà người làm du lịch mong chờ nhất vẫn là chính sách visa do Bộ Ngoại giao đề xuất-một trong những lợi thế để thu hút khách quốc tế.
Cái khó bó du lịch
Không còn quá lo ngại về điều kiện cách ly y tế đối với khách quốc tế, nhưng ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HHDL Đà Nẵng cho biết, người làm du lịch rất mong chờ chính sách thị thực và thủ tục nhập cảnh. “Bộ VHTTDL rất quyết tâm mở cửa trở lại nhưng các bộ ngành liên quan như Ngoại giao, Y tế, Công an… vẫn chưa thống nhất ý kiến. Chúng tôi rất mong chờ chính sách thị thực quay lại với thời kỳ trước dịch. Có như vậy mới cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực, bằng không chúng ta duy trì duyệt cấp visa từng người thì vừa mất thời gian, công sức, tăng chi phí sẽ mất ý nghĩa cạnh tranh. Mới đây Chính phủ quyết liệt chỉ đạo chính sách thị thực quay lại như thời điểm trước COVID-19, chúng tôi rất trông chờ”, ông Dũng phân tích.
Mở cửa từ 15/3 nhưng chưa thể có khách trở lại Việt Nam rầm rộ. Ông Dũng nhận định, chỉ một số thị trường kiểm soát dịch tốt và có chính sách du lịch tương đồng với Việt Nam có khả năng đưa khách tới. “Nhiều quốc gia vẫn giữ chính sách cách ly khi công dân của họ du lịch quay trở về, vì lẽ đó rất ít khách quốc tế đến Việt Nam. Hàn Quốc vừa thông báo từ 21/3 sẽ miễn cách ly đối với người Hàn Quốc tiêm đủ mũi vắc xin (trừ người đến từ quốc gia có nguy cơ cao như Pakistan, Uzbekistan, Ukraine, Myanmar-PV). Đây có thể là thị trường nguồn rất lớn đối với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên các thị trường gần khác như Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cách ly, vì thế các doanh nghiệp vẫn ngóng chờ chính sách đang tác động tới nguồn khách quốc tế vào Việt Nam”, ông Dũng nói.
Quá trình đưa du lịch trở lại đường đua cũng vấp phải không ít khó khăn về sự mất mát nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch thường trực HHDL Kiên Giang cho biết, Kiên Giang đang thiếu nguồn nhân sự cực kỳ nghiêm trọng, vừa thiếu vừa yếu nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. “Công tác chuẩn bị mở cửa cũng phải song song với chuẩn bị nội lực cho các doanh nghiệp, nội lực ngành du lịch. Chúng ta cần đánh giá nguồn lực hiện tại có đủ để chuẩn bị đón, phục vụ khách hay không. Nếu trường hợp số lượng đông, với lực lượng nhân sự thế này thì quả đáng lo ngại. Do đó, chúng ta cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và doanh nghiệp sẽ có những chiến lược riêng”, ông Huy thông tin.
Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực lao động, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhắc đến bài toán thu hút lao động du lịch trở lại làm việc. “Hiện nay nhiều lao động du lịch trở về quê và chưa trở lại, còn lao động ở những khu vực không có dịch cũng chỉ hoạt động cầm chừng ở mức 50-60%”, bà Lan Anh nói. Chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch thực tế được giải ngân chưa nhiều, trong khi đó nội dung về đào tạo và đào tạo lại nhân lực còn hạn chế. Bà Lan Anh đề xuất cần có chương trình đào tạo nâng cao chất lượng lao động, bởi sắp tới đòi hỏi chất lượng cao hơn, tinh hơn trước do những sản phẩm của du lịch sau đại dịch phải cạnh tranh hơn để thu hút khách.
Đẩy nhanh tốc độ phục hồi
Ngày 12/3/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 1560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL: Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, trên tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong lĩnh vực du lịch thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.