Du lịch mua sắm được xem là loại hình có thể thu hút được nhiều du khách, tăng trải nghiệm và chi tiêu, từ đó phát triển du lịch hiệu quả. Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn chưa phát triển. Thực tế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu các cơ sở mua sắm tốt, sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm chưa phong phú, đa dạng.
Du khách chọn mua sản phẩm của làng nghề tại Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Nguyễn Quang
Tăng trải nghiệm cho du khách
Câu chuyện về anh Arnaud Zein El Din, một kiến trúc sư người Mexico mang 1 con ngựa giấy mua ở phố Hàng Mã (Hà Nội) ra sân bay để về nước cùng nhiều đồ lưu niệm nhỏ sưu tầm được khi du lịch ở Việt Nam, như: Điếu cày, chiếu cói, mặt nạ mẹt, đó bắt cá… trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội mấy ngày qua. Những món đồ mà anh Arnaud mua để làm quà, hay đơn giản chỉ để lưu giữ kỷ niệm về Việt Nam cũng đặt ra những vấn đề về việc ngành Du lịch cần tạo thêm những sản phẩm quà tặng lưu niệm hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhận định, du lịch mua sắm là thế mạnh lớn để phát triển du lịch. Còn Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, du lịch mua sắm là một phần không thể thiếu trong hành trình trải nghiệm của du khách và cũng là yếu tố tăng sức hấp dẫn của điểm đến.
Nhìn sang các nước trong khu vực, quốc gia nào cũng có những trung tâm mua sắm lớn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Ví dụ, Malaysia có nhiều khu mua sắm nổi tiếng dành cho những đối tượng khách khác nhau, như: Trung tâm Mid Valley Megamall thường xuyên tổ chức những hoạt động giảm giá lớn; hòn đảo mua sắm Langkawi với nhiều sản phẩm miễn thuế, là điểm đến quen thuộc của các tín đồ thời trang. Singapore có đại lộ mua sắm Orchard Road, trung tâm mua sắm và bán lẻ kết hợp các hoạt động giải trí VivoCity. Thái Lan có trung tâm mua sắm nổi tiếng Siam Paragon.
Tại Việt Nam, hoạt động mua sắm được các địa phương chú trọng nhiều trong những năm gần đây. Nhiều trung tâm thương mại lớn đã được xây dựng, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Các chợ đêm hình thành với nhiều khu bày bán các sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch. Nhiều khu du lịch có những cửa hàng bày bán sản phẩm quà tặng, sản phẩm OCOP. Việc hình thành những trung tâm thương mại, khu mua sắm đã kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, tăng thêm trải nghiệm cho khách trong hành trình tham quan, khám phá vùng đất mới.
Thiếu tính đồng bộ và ít đặc trưng
Mặc dù đã được chú trọng nhưng du lịch mua sắm tại Việt Nam chưa chuyên nghiệp. Các trung tâm mua sắm chưa tạo thành điểm đến thu hút du khách mà chủ yếu là để trưng bày sản phẩm của các thương hiệu nên khách đến các trung tâm mua sắm phần lớn để xem, lượng người mua không nhiều.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng đánh giá, hàng hóa tại các trung tâm mua sắm không đa dạng, giá cả lại cao nên không hấp dẫn du khách, trong khi nhiều quốc gia khác có những trung tâm giảm giá (outlet). Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nhận định, sản phẩm quà tặng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn yếu và thiếu. Mặc dù cả nước có nhiều làng nghề, nhưng các sản phẩm quà tặng lại đơn điệu. Khách đến Việt Nam chủ yếu mua nón lá và một vài mặt hàng lưu niệm có giá trị kinh tế thấp.
Để tăng giá trị cho hoạt động mua sắm, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, nên xây dựng tour mua sắm chuyên nghiệp cho du khách trải nghiệm, khám phá. Tại Hà Nội, tour mua sắm có thể thực hiện ở khu vực phố cổ, nơi có nhiều phố nghề truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. “Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội có thể kết hợp các đơn vị lữ hành xây dựng tour mua sắm tại khu vực phố cổ, trong đó xác định những địa chỉ mua sắm uy tín, bảo đảm về giá, chất lượng hàng hóa để du khách vừa tham quan vừa có thêm nhiều trải nghiệm”, ông Phùng Quang Thắng gợi ý.
Trong khi đó, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng đề xuất, cần phát huy giá trị các làng nghề để tạo ra những sản phẩm quà tặng có giá trị. Các làng nghề cần nâng cấp chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, nâng tính ứng dụng của sản phẩm hơn nữa. Các địa phương nên hình thành các khu mua sắm đạt chuẩn, những địa chỉ giới thiệu sản phẩm OCOP uy tín, có sự bảo đảm về giá. Riêng với Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn gợi ý, thành phố nên quy hoạch trung tâm mua sắm ngầm dưới đất, vừa không xung đột không gian vừa tăng tính kết nối cho các điểm di tích ở khu phố cổ.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch để tăng tính hấp dẫn cho du lịch mua sắm. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã đề nghị các làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Hằng năm, Sở tổ chức lễ hội quà tặng để du khách có cơ hội trải nghiệm mua sắm và tìm hiểu thêm những sản phẩm quà tặng hấp dẫn, độc đáo của Thủ đô và cả nước.