Năm 2020, du lịch Việt Nam khởi đầu ấn tượng với 2 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1, thế nhưng dịch bệnh Covid-19 khiến cho phần còn lại của năm liên tục chật vật, khó khăn chưa từng có. Cả năm 2020, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra hầu hết đều giảm mạnh, ngoại trừ sự gia tăng “đáng buồn” là số doanh nghiệp lữ hành rút giấy phép kinh doanh.
Cụ thể, năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 19 tỷ đô la Mỹ.
Lượng khách trong năm 2020 của hầu hết các tỉnh,thành phố đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Khánh Hòa giảm 82,3%; Hà Nội giảm 70%; Quảng Bình giảm 63%; Đà Nẵng giảm 62,6%; Lào Cai giảm 57,9%; Bình Định giảm 54%; Kiên Giang giảm 40,7%; Quảng Ninh giảm 36,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 30%…
Như vậy sau nhiều năm tăng trưởng ở tốc độ cao và đạt kỷ lục 18 triệu khách quốc tế vào năm 2019, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2020 chỉ còn tương đương giai đoạn 2007 – 2009.
Nhìn ra thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá thiệt hại năm 2020 khiến lượng khách du lịch quốc tế quay ngược về mức cách đây 30 năm. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 ước giảm khoảng 70-75%, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách và sụt giảm 1,1 nghìn tỷ đô la Mỹ tổng thu từ khách du lịch. Sẽ cần từ 2,5 – 4 năm để du lịch thế giới trở lại đỉnh cao như năm 2019.
Cơ sở lưu trú du lịch là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, hiện cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 650.000 buồng. Công suất phòng trung bình cả nước năm 2020 chỉ đạt khoảng 20-25%. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú trên toàn quốc phải đóng cửa, dừng hoạt động; 1/3 số cơ sở đang hoạt động cầm chừng. Tại một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…, gần 3.000 cơ sở luu trú du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động, doanh thu lưu trú giảm 70 – 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 260 đơn vị vận chuyển khách dừng hoạt động, trên 170 đơn vị hoạt đồng cầm chừng, trên 1.500 phương tiện tạm dừng hoạt động, doanh thu ước giảm khoảng 69%. Đa số doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. Số ngày trung bình khu du lịch, điểm tham quan du lịch, khu vui chơi giải trí trên cả nước phải đống của hoạt động là 65,31 ngày, doanh thu ước giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
So với năm 2019, lượng khách quốc tế mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ giảm đáng kể. Công ty Vietravel chi nhánh TP.HCM giảm 79%, công ty Flamingo Redtours giảm 69%, công ty JTB-TNT giảm 50%, công ty Phoenix Voyages giảm 50%… Năm 2020, Tổng cục Du lịch đã thu hồi 338 giấy phép kinh doanh lữ hành, chủ yếu do doanh nghiệp chủ động xin rút.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê tại Báo cáo Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020, tính đến tháng 9 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%)… Đây đều là những dịch vụ có liên quan trực tiếp tới ngành du lịch.
Các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất. Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch giảm 30,4%; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%… Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải hàng không là cao nhất, 99,5%; ngành du lịch là 43,2%; ngành dịch vụ lưu trú là 27,8%.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vẫn chưa đáp ứng đầy đủ hoặc không kịp thời gây ra khó khăn hơn đối với ngành du lịch. Nhiều lao động trong ngành du lịch đã bỏ nghề, chuyển sang lĩnh vực khác. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nhân lực khi khách du lịch đông trở lại, bởi bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch trong nhiều năm qua vốn chưa có lời giải.
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Du lịch Việt Nam năm 2020 khó khăn nhưng nhiều dấu ấn. Việt Nam vẫn là điểm sáng về thực hiện “mục tiêu kép”: thực hiện tốt phòng chống dịch Covid-19 và kinh tế vẫn có tốc độ tăng tưởng dương.
Thị trường du lịch nội địa nhận được sự quan tâm đặc biệt, trở thành trụ cột của ngành du lịch không chỉ năm 2020 mà các giai đoạn tiếp theo. Nhiều dịch vụ và điểm đến du lịch mới được khai thác. Nhiều điểm đến tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc thu hút du khách nhiều hơn.
Nhờ khách nội địa, năm 2020, Hà Giang là địa phương hiếm hoi có sự tăng trưởng, với khoảng 10% lượng khách cao hơn năm 2019. Không còn khách quốc tế, khách nội địa được quan tâm, phục vụ chu đáo hơn với nhiều sản phẩm hấp dẫn cả về giá và chất lượng, kèm theo các ưu đãi, tùy chọn linh hoạt, giá tăng dịch vụ và giá trị trải nghiệm.
Trong khủng hoảng, sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Các địa phương, doanh nghiệp tổ chức ký kết nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm như: TP.HCM với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ; kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch nội địa Hà Nội – Khánh Hòa; chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; chương trình du lịch “Về miền di sản Ninh Bình – Thanh Hóa”; liên minh kích cầu du lịch Phú Yên – Bình Định – Gia Lai – Đắk Lắk; liên kết kích cầu du lịch Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên…
Năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và trên thế giới. Tại châu Á, Việt Nam được vinh dự bình chọn: Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Ở tầm thế giới, Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Việc Việt Nam liên tiếp nhận được các giải thưởng danh giá trên đã khẳng định thương hiệu và chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hướng về năm 2021, những sự đổi mới, chuyển biến tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để ngành du lịch vượt qua khó khăn. Với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tổng cục Du lịch cùng ngành du lịch cần tập trung vào sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như về tăng cường liên kết trong ngành du lịch; định vị lại các thị trường khách quốc tế sao cho lượng và chất phải song hành; phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa; tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.