Không chỉ thích đi du lịch, du khách Việt là nhóm cho thấy mối quan tâm về du lịch bền vững cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Du khách Việt xem du lịch là một điều không thể thiếu trong cuộc sống, dù kinh tế có khó khăn.
Nghiên cứu mới nhất về chỉ số tự tin du lịch (Travel Confidence Index) Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) 2023 của Booking.com cho thấy, những nhận định và hành vi của du khách Việt Nam, và những thay đổi trong cách người Việt lên kế hoạch cho chuyến du lịch của mình giữa những khó khăn và bận tâm xoay quanh tình hình kinh tế hiện tại.
Báo cáo tập trung vào hành vi du lịch của du khách khu vực APAC giữa những biến đổi lớn của nền kinh tế hiện tại và những ảnh hưởng của nó lên quyết định du lịch. Trong khi 40% du khách Việt Nam cho biết các mối quan tâm về tài chính hiện đang là bận tâm lớn nhất của họ, 83% vẫn yêu thích và muốn lên kế hoạch để chu du trong 12 tháng tới đây.
Biển Vĩnh Hảo nước biển trong xanh tuyệt đẹp.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên báo cáo TCI tiết lộ bốn kiểu hình du lịch của các nhóm du khách, qua đó thể hiện tính chất đặc thù về động lực, các ưu tiên cũng như hành vi đối với du lịch của họ. Năm nay, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực APAC nằm trong nhóm “Mindful Voyagers” (những nhà du hành chánh niệm) – tiếp cận du lịch với sự thận trọng, được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Nói cách khác, du khách Việt Nam là nhóm cho thấy mối quan tâm về du lịch bền vững cao nhất trong khu vực APAC.
Khó khăn nhưng du lịch vẫn quan trọnng
Người Việt có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ, tìm kiếm thử thách khi đi du lịch (38%). Có 35% du khách Việt cho biết họ mong muốn khám phá chính đất nước mình nhiều hơn, và 34% sẽ đi thám hiểm những điểm đến ít phổ biến với du khách.
Đi thuyền trên sông Hương là một trải nghiệm khó quên đối với du khách.
Với gần một nửa (45%) du khách, du lịch giải trí vẫn là một phần ‘rất quan trọng’ trong đời sống hàng ngày khi phần lớn các mối lo về dịch bệnh trước kia đã được đẩy lùi. Khoảng 83% Du khách Việt cho biết họ đang lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình trong vòng 12 tháng tới, 45% đã đặt chỗ trước cho chuyến du lịch trong nước, và 26% đã đặt trước cho chuyến đi quốc tế tiếp theo (trong vòng 12 tháng tới).
Mong muốn phát triển bản thân và nghỉ ngơi thư giãn
Động lực du lịch đối với du khách Việt Nam rất đa dạng, song có điểm chung là mong muốn phát triển bản thân và được nghỉ ngơi thư giãn. Hơn một phần ba (35%) cho biết họ muốn đi đây đó để nghỉ ngơi hoàn toàn và lấy lại năng lượng cho bản thân; 30% muốn được đắm mình vào các nền văn hóa khác biệt; và 29% muốn du lịch để gặp gỡ những người mới, gắn kết hơn với những người mình yêu thương, cùng họ có những trải nghiệm, kỷ niệm mới bên nhau.
Những bận tâm lớn nhất khi lên kế hoạch du lịch
Trước nhu cầu du lịch lớn, báo cáo cũng chỉ ra các mối quan tâm hàng đầu mà cả du khách Việt Nam lẫn trong khu vực đều đang bận tâm. Phần lớn cho rằng tình trạng tài chính và kinh tế hiện nay là mối lo lớn nhất, bên cạnh các rủi ro về sức khỏe, y tế, và những gián đoạn du lịch khác.
Du lịch sông nước miền Tây ngày càng phát triển.
Khoảng 40% du khách Việt Nam cho biết tài chính là bận tâm lớn với họ khi lên kế hoạch đi du lịch (dẫn đầu là Thái Lan 57% và New Zealand 55%).
40% Lo sợ sẽ nhiễm COVID-19 hoặc các bệnh khác trong thời gian đi đây đó (Singapore 42%, Thái Lan 36%).
Các quy trình và thủ tục hành chính trong quá trình du lịch nước ngoài, trong đó có cả quy định về cách ly tại các điểm đến hoặc quốc gia sở tại là bận tâm chính của 30% du khách Việt, trong đó 25% cho biết chi phí, thủ tục phức tạp và đắt đỏ về đăng ký visa cũng khiến họ suy nghĩ khi đặt quyết định du lịch quốc tế.
Mặt khác, để tiết kiệm chi phí khi du lịch, 44% du khách cho biết họ sẽ chọn đi vào những tháng thấp điểm, 43% sẽ tận dụng các chương trình ưu đãi cho khách hàng thân thiết để bù đắp thêm chi phí, và 28% sẽ lựa chọn các phương tiện hoặc hình thức di chuyển ít tốn kém hơn trong chuyến đi của mình.
Top địa điểm và hoạt động ưa thích
Phần lớn du khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn ghé thăm các bãi biển và đảo (61%), theo sau là các thành phố lớn (60%); và lựa chọn hoạt động thể chất, thể thao (45%) để trải nghiệm trong chuyến đi của mình.
Hoa sen tím tuyệt đẹp trong một ngôi chùa ở Vũng Tàu.
Ông Varun Grover, Giám đốc quốc gia của Booking.com tại Việt Nam cho biết: “Trước những khó khăn về kinh tế mà chúng ta đang đối mặt, thật đáng khích lệ khi thấy du khách Việt Nam vẫn cho thấy tinh thần sẵn sàng đi du lịch và khám phá những miền đất mới trên chính Việt Nam và tại các điểm đến quốc tế”.
Nghiên cứu do Booking.com ủy quyền và được Milieu Insight thực hiện độc lập trong mẫu gồm 8.800 người được hỏi ở 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp APAC (800 người đến từ Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam…). Để tham gia cuộc khảo sát này, người trả lời phải từ 18 tuổi trở lên.
Nghiên cứu đã tính toán Chỉ số dựa trên các số liệu cụ thể như mức độ sẵn sàng đi du lịch, chi tiêu tiềm năng cho việc đi lại, thời lượng, số chuyến đi dự định và đáng chú ý là xu hướng đi lại trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại. Các lĩnh vực khác mà nghiên cứu khám phá là cân nhắc về du lịch và đặt phòng, quan điểm về tính bền vững và các câu hỏi cụ thể khác về thị trường.
Xếp hạng được xác định bằng cách sử dụng khung hai trục, đánh giá niềm tin du lịch và mối quan tâm về tính bền vững trên khắp APAC, dựa trên vị trí của các quốc gia trên hoặc dưới điểm 0 trên mỗi trục. Vị trí trên các trục phản ánh điểm số có liên quan đến các thị trường khác và không mang tính quy chuẩn – điều này có nghĩa là không có giới hạn tiêu chuẩn nào cho điểm số được coi là ‘cao’ hoặc ‘thấp’. Thay vào đó, các bảng xếp hạng này cung cấp thông tin chi tiết có thể so sánh về các mức độ khác nhau của mối quan tâm về tính bền vững và niềm tin du lịch trên khắp các thị trường được bao gồm.
Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến và diễn ra từ ngày 29 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4 năm 2023.