• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Nhân sự ngành du lịch vẫn lệch pha

    Monday, 10-04-2023 / 10:08:02 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    282 View

    Nhu cầu cao nhưng lực lượng hiện có chưa đáp ứng kỳ vọng, khiến cho nguồn nhân lực ngành du lịch rơi vào cảnh thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

    Sau dịch COVID-19, ngành du lịch TP HCM thiếu hụt trầm trọng lao động có tay nghề do trên 80% nhân sự đã chuyển đổi ngành nghề khác. Mới đây, Sở Du lịch TP HCM đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP tổ chức tọa đàm “Đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch TP HCM năm 2023”. Chương trình nhằm kết nối các đơn vị cung cấp lao động với các đơn vị tuyển dụng lao động, để xây dựng nguồn nhân lực mới cho ngành du lịch trong thời gian tới.

    Khó tìm người giỏi

    Tại tọa đàm, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), nhận định hiện nay đang có khoảng cách giữa nhu cầu doanh nghiệp (DN) và thực tế chất lượng đào tạo của các trường.

    Tại Vietravel, 90% nhân sự mới tốt nghiệp cần phải đào tạo lại để thích ứng với công việc. Chưa hết, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống và năng lực ngoại ngữ của ứng viên còn nhiều hạn chế. “Khi phỏng vấn, dù đã đưa ra các câu hỏi gợi mở nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không thể trả lời. DN phải rất vất vả và sàng lọc kỹ qua nhiều vòng mới có thể tuyển được 1 người” – bà Hương cho hay.

    Nhân sự ngành du lịch vẫn lệch pha - Ảnh 1.

    Người lao động tìm cơ hội việc làm tại “Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch”. Ảnh: HUỲNH NHƯ

    Trong khi đó, bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG miền Nam Việt Nam, thì cho rằng tính liên thông giữa các cơ sở đào tạo du lịch còn hạn chế. Hiện cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế. Bà bày tỏ lo ngại, sắp tới khi công ty lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam với nhu cầu nhân sự lớn sẽ khó tìm ứng viên phù hợp.

    Chia sẻ bên lề chương trình, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc điều hành khách sạn Silverland, chỉ ra thực trạng trước đây, 80% nhân sự là lao động lành nghề thì nay số lượng này chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là sinh viên mới ra trường. “Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển thêm 500 người, dù vậy lực lượng tay nghề cao, có thể đi làm ngay rất hạn chế. Dự kiến, DN phải mất 6 tháng nữa mới có thể bù đắp được lượng nhân sự đang thiếu hụt” – ông Mẫn nói.

    Theo bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, để giải bài toán thiếu hụt nhân sự có tay nghề, các trường cần quốc tế hóa đào tạo.

    Nhiều năm qua, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, nhiều học viên của nhà trường đã được gửi Pháp, Đức và Úc học tập nâng cao trình độ. Sau thời gian tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc, đội ngũ này quay về nước làm việc rất hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự du lịch dài hạn cho Việt Nam.

    Ở một góc nhìn khác, bà Đoàn Trần Phương Thảo cho rằng giữa các DN và các trường nghề cần có sự liên kết chặt chẽ nhằm bảo đảm đầu ra nguồn nhân lực ngành du lịch. Thông qua các chương trình hợp tác với DN, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế những môn học phù hợp với thị trường. “Sự gắn kết chặt chẽ giữa hai bên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả DN lẫn nhà trường và toàn ngành. Hợp tác hiệu quả sẽ góp phần hình thành nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Bên cạnh đó, điều này còn giúp tăng trưởng nguồn khách, tăng chất lượng dịch vụ và giá trị thương hiệu cho điểm đến” – bà Thảo nói.

    Trong khi đó, bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm thanh niên – Thành Đoàn TP HCM, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đề án khảo sát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo và việc làm trong ngành du lịch “Tại sao lại có chuyện đào tạo ra 100 hướng dẫn viên nhưng chỉ có khoảng 50 người theo nghề? Đó là do sinh viên chưa có cơ hội tiếp cận chính sách việc làm phù hợp, cũng như ít được trải nghiệm môi trường làm việc trong tương lai. Nếu được hướng nghiệp và hỗ trợ giới thiệu việc làm, sinh viên sẽ có định hướng rõ ràng hơn đối với công việc mình dự định theo đuổi” – bà Sơn khẳng định.

    Nâng cao chất lượng đào tạo

    TP HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du lịch đạt trên 160.000 tỉ đồng. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết sở sẽ kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ duy trì tổ chức các hội thi tay nghề nhằm giúp người lao động rèn giũa kỹ năng, nghiệp vụ. “Các trường đại học cần nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên, học viên ra trường là làm việc được ngay mà DN không phải đào tạo lại” – bà Hiếu góp ý.

    Source : Người Lao Động
    Latest news