Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị mở cửa du lịch trở lại, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành công nghiệp không khói ngày càng gia tăng.
Cuộc “đại tuyển dụng” của ngành du lịch
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, các doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70 – 80%.
Năm 2021, lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Theo ghi nhận của website tuyển dụng hoteljob.vn, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành du lịch ở giai đoạn hiện nay tăng rất nhanh. Ông Lê Quốc Việt – Giám đốc công ty Santa (đơn vị vận hành nền tảng hoteljob.vn) cho biết, đầu năm 2022, số lượng tuyển dụng lao động du lịch gia tăng đột biến, gần như đồng bộ với lượng người đi du lịch và nhu cầu đặt phòng tăng cao.
Cũng theo ông Việt, mỗi ngày hoteljob.vn nhận hàng trăm thông tin và vị trí tuyển dụng với công việc buồng, bàn, bếp, lễ tân, bán hàng, tiếp thị…, cũng như khoảng 1.000 ứng viên nộp hồ sơ.
Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, cho rằng, trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành du lịch đang có dấu hiệu phục hồi.
Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự là rất lớn vì chưa bao giờ ngành du lịch bị đóng cửa đột ngột, khiến cho hàng loạt lao động trong ngành mất việc làm như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Khoảng 60 – 70% nhân lực du lịch đã nghỉ việc và để lại khoảng trống lớn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng trên cả nước.
GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng nhận định, dịp đầu năm, nhiều khách sạn nhận lượng đặt phòng, dịch vụ tăng cao nên cần tuyển dụng để hoàn thiện bộ máy. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng trong ngành khách sạn, dịch vụ lữ hành là rất lớn, nhất là ở các trung tâm du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Quảng Nam, Đà Lạt, TPHCM, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc…
Theo GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng, với đà phục hồi như hiện nay, sắp tới, nhiều khả năng ngành du lịch Việt Nam sẽ bước vào cuộc “đại tuyển dụng” trên cả nước.
“Các khách sạn không thể đóng cửa mãi, thậm chí trong dịch Covid-19 nhiều cơ sở lưu trú vẫn được đầu tư và mở cửa. Quan trọng là thông tin mở cửa du lịch từ 15/3 và tâm lý yên tâm đi du lịch trở lại của người dân. Để đón mùa du lịch đầu xuân và dịp hè, các đơn vị sẽ thực hiện tuyển dụng từ tháng 2, tháng 3 để kịp đào tạo, củng cố bộ máy trước dịp 30/4 – 1/5”, GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng chia sẻ.
Không dễ tìm được nhân sự như ý
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự du lịch là rất lớn, nhưng không dễ cho các doanh nghiệp hoàn thành được mục tiêu này trong thời gian ngắn, nhất là đối với những vị trí chủ chốt, những nhân sự chất lượng cao.
Ông Nhan Hạnh Nhơn – Giám đốc công ty du lịch OSC First Holidays (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn 2 năm với 4 đợt dịch bệnh Covid-19, về cơ bản số lượng doanh nghiệp du lịch đang còn cầm cự được rất ít. Nhân sự vẫn còn làm việc cũng chính là những chủ doanh nghiệp và một vài lãnh đạo cốt cán của công ty: Ban Giám đốc và các trưởng phòng (7-10 người).
Theo GS.TS.NGƯT Đào Mạnh Hùng, trước mắt để giải quyết vấn đề tuyển dụng, các doanh nghiệp có thể liên hệ với những cơ sở đào tạo về ngành du lịch có uy tín như: trường Cao đẳng Khách sạn Quốc tế Imperial (IIHC) ở Vũng Tàu, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (STHC), Trường Đại học Hoa Sen ở Thành phố Hồ Chí Minh… để tuyển dụng các sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc cử chính những nhân viên của công ty tham gia các khóa học ngắn hạn nhưng chất lượng và thiết thực, để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Trong khi đó, GS.TS. Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch, lại đề xuất rằng, để mời lại được những người cũ và tuyển nhân lực mới, việc đầu tiên của các doanh nghiệp du lịch là phải thuyết phục họ bằng cơ chế lương, thu nhập tốt và có công việc cho họ làm.
Đó là những giải pháp trước mắt của một số doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng nhân sự du lịch, nhất là những nhân sự chất lượng cao. Còn xét một cách tổng thể, quá trình phục hồi của ngành du lịch sẽ diễn ra từ từ, chứ không phải bùng nổ ngay lập tức.
Khi du lịch dần hồi phục, các địa phương và doanh nghiệp sẽ phát triển được nhân sự. Mặt khác, ảnh hưởng của Covid-19 cũng tạo ra sự đào thải trong ngành du lịch. Đây là một quá trình phát triển tự nhiên của bất cứ ngành kinh tế nào, chứ không chỉ riêng ngành du lịch, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều thử thách như hiện nay.