Sáng 6.7, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo
Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, điểm nhấn trong hoạt động 6 tháng đầu năm của Tổng cục Du lịch là đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ, các cấp có thẩm quyền cho phép chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch, trên phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, từ ngày 15.3, hoạt động du lịch đã mở cửa trở lại và phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm 2022
“6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng này sang tháng khác, tháng sau cao hơn tháng trước. Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự vào cuộc chủ động tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được nhiều tổ chức uy tín về du lịch trên thế giới đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh, Hội nghị lần này nhằm tổng kết, đánh giá những tồn tại, hạn chế, tìm ra những điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục trên phương châm đoàn kết, kỷ cương, thích ứng an toàn, hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu nhằm phát triển ngành Du lịch.
Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách.
Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt khách (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động của các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, đã thẩm định 415 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành (tăng 211 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2021), trong đó cấp mới 312 giấy phép (tăng 286 giấy phép so với cùng kỳ năm 2021), đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 226 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021) trong đó có 886 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp liên doanh, 1.498 công ty TNHH, 04 doanh nghiệp tư nhân và 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa…
Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương trình bày tham luận tại Hội nghị
6 tháng đầu năm 2022, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố đã cấp mới 1.259 thẻ, đổi 215 thẻ, cấp lại 08 thẻ. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 30.837 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ (tăng 2.643 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2021) trong đó có 18.831 hướng dẫn viên quốc tế, 10.765 hướng dẫn viên nội địa, 1.241 hướng dẫn viên tại điểm.
6 tháng đầu năm 2022, đã ban hành 46 Quyết định công nhận đối với cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao (24 cơ sở công nhận mới, 22 cơ sở công nhận lại) trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao (6 khách sạn công nhận mới) và 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao (18 khách sạn công nhận mới). Hiện nay, cả nước có khoảng 33.330 cơ sở với 667.936 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.546 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 44.964 buồng.
Về hoạt động du lịch tại các địa phương và doanh nghiệp, về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch, theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2022 của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: Hà Nội ước đón 8.610.000 lượt khách (tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó: khách du lịch quốc tế ước đạt 211.300 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8.400.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 nghìn tỷ đồng (tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 477.982 lượt khách quốc tế (tăng 100%), khách nội địa đạt 11.089.304 lượt khách (tăng 43,1%), tổng thu từ khách du lịch đạt 49.681 tỷ đồng (tăng 29,9%); Ninh Bình đón 1.780.000 lượt khách (tăng 107,9%) trong đó khách nội địa đạt 1.760.000 lượt khách (tăng 105,9%), khách quốc tế đạt hơn 18.000 lượt (tăng 39,31%), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.054 tỷ đồng (tăng 88,71%); Lâm Đồng đón 3.720.000 lượt khách (tăng 86,5%), trong đó khách quốc tế đạt 26.000 lượt (tăng 76,4%), khách nội địa đạt 3.694.000 lượt (tăng 86,5%); Khánh Hòa đón 1.046.268 lượt khách lưu trú (tăng 128,64%), trong đó khách quốc tế đạt 42.507 lượt khách (tăng 122,51%), khách nội địa đạt 1.003.761 lượt khách (tăng 128,7%), tổng thu từ du lịch đạt 5.550 tỷ đồng (tăng 209,44%)…
Triển khai quyết liệt 5 nhiệm vụ cụ thể
Hội nghị nhằm tìm và tháo gỡ các điểm nghẽn
Trong 6 tháng cuối năm, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ngành du lịch sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ trong đó có nhóm các nhiệm vụ đề án trọng tâm là Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Rà soát, điều chỉnh Đề án phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam; Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng phù hợp điều kiện thực tế phát triển các cụm, vùng du lịch và phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch; tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe nhiều ý kiến đóng góp để khắc phục các điểm nghẽn nhằm giúp cho ngành công nghiệp không khói phục hồi và phát triển.
Đánh giá cao kết quả 6 tháng đầu năm của Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của ngành trong thời gian qua. Không chỉ bằng các con số thuyết phục và ấn tượng về lượng khách, Tổng cục Du lịch đã có sự kết nối tốt với các địa phương để tạo bước chuyển biến, làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về Du lịch, nhất là trong những giai đoạn khó khăn nhất vì dịch bệnh.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trao tặng Huân chương Lao động cho 3 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc của ngành Du lịch
Về phương hướng trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, ngành Du lịch sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là những khủng hoảng về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng… Do đó ngành phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch cần quyết liệt triển khai 5 nhiệm vụ cụ thể.
Đó là tham mưu, chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch; tiếp tục xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; hoàn thiện Quy hoạch hệ thống du lịch; tham mưu, tập trung xây dựng các mô hình du lịch mới như du lịch vùng, du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng; tham mưu xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch…