Ảnh minh họa: BT
Theo khảo sát các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành và vận tải của Vietnam Report tháng10-11/2022 cho thấy, có 32,6% số doanh nghiệp cho biết, doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm. 60% doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023. Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành Du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.
Tuy những con số trên so với những năm trước dịch vẫn còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là những nỗ lực vượt bậc của ngành Du lịch khi thời gian “mở cửa” và phục hồi du lịch mới bắt đầu từ tháng 3/2022. Trong tình hình mới, các doanh nghiệp du lịch đang từng bước tìm hướng đi để “tăng tốc” ngành kinh tế mũi nhọn này. Muốn “tăng tốc” thì phải đột phá, phải phát triển theo hướng khác biệt, đặc sắc, chứ không chỉ chạy theo nguyên lý sản lượng, kiểu “số lượng khách năm nay phải tăng hơn năm trước”.
Thực tế cho thấy, một số điểm đến muốn “ăn” nhanh, tăng số lượng lượt khách nên đã “mở cửa”, tạo điều kiện cho “khách đi cả làng”. Điều này sẽ khiến du lịch không đi vào chiều sâu.Cùng với đó, không có nhiều chỗ chơi thú vị hay nơi để du khách tiêu tiền từ rất lâu đã là thực trạng chưa được giải quyết ở Việt Nam. Đa số khách quốc tế chỉ đang thích danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, mà chưacó niềm tin về các sản phẩm hay dịch vụ du lịch. Khách hàng ít có lựa chọn để vui chơi, giải trí, không biết tiêu tiền vào đâu. Các chuyên gia cho rằng, số lượng là quan trọng, nhưng giai đoạn sau dịch Covid-19, điều quan trọng hơn là tập trung vào việc làm sao để khách ở dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Tại Diễn đàn kinh tế năm 2023, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đóng vai trò tiên phong khi tạo nên những công trình giúp Việt Nam tự hào, đặt tọa độ của điểm đến lên một đẳng cấp cao, xứng đáng với cuộc đua tầm cỡ thế giới.
Du lịch phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít, nhưng chi tiêu nhiều. Để làm được điều đó, cần những “con sếu đầu đàn”, những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp. Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành như những gì Sun Group đã làm với Đà Nẵng, Sa Pa, Quảng Ninh hay Vingroup với Phú Quốc, Nha Trang…
Bên cạnh đó, ý kiến các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch. Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, điểm đến để có sản phẩm đa dạng hóa. Đặc biệt, liên kết giữa các doanh nghiệp với hàng không và đối tác để có sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, giá cả phù hợp.
Phát triển sản phẩm chủ đạo
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch để phục hồi và phát triển du lịch, cần chú trọng khai thác phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao như nghỉ dưỡng dài ngày. Trong đó, ưu tiên thu hút khách theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe bên cạnh nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực.
Mở rộng phát triển một số thị trường mới, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hàng năm tăng nhanh như Ấn Độ, Trung Đông; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực cho một số phương thức, hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm.
Về phát triển sản phẩm, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch. Cân bằng phát triển xanh và phát triển du lịch bền vững.
Cùng với đó, cần xây dựng phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyển nghiệp cao; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước.
Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao. Có thể thấy, thời gian qua đã có những tập đoàn đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch tạo diện mạo mới cho ngành Du lịch Việt Nam. Đây là yếu tố cần được khuyến khích và nhân rộng.
Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ghi rõ lộ trình thực hiện: “Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.
Để làm được những điều đó, cũng như thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 08 đề ra, ngành Du lịch phải tự làm mới mình. Làm mới bao gồm cả sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đang có, sản phẩm truyền thống, giữ gìn và nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú, đào tạo và đào tạo lại nhân lực, nhất là ngôn ngữ giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, liên kết phát triển du lịch, cả nội địa và quốc tế. Thiếu hay chậm trễ một khâu nào trong chuỗi giá trị, ngành Du lịch sẽ dễ dàng bị tụt hậu.
Chiếu theo số lượng thống kê, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam ngày càng tăng cao chứng tỏ hệ sinh thái du lịch của chúng ta đã thu hut khách. Song trên bình diện kinh tế, tổng số lượt khách đến du lịch đã quan trọng, nhưng chất lượng (tiêu tiền của du khách để đóng góp giá trị gia tăng từ du lịch cho nền kinh tế) thế nào còn quan trọng hơn. Muốn vậy, cần đổi mới cơ chế, chính sách để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc hút du khách đến đông hơn, du khách đến muốn quay lại nhiều hơn và tiêu tiền cũng nhiều hơn… |