Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tuần qua đã yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, du lịch an toàn tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và xem xét thí điểm cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ để tạo thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch, báo cáo Thủ tướng trong quý II.
Trước đó, từ đầu năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đã thí điểm xác thực sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt) đối với hành khách làm thủ tục lên máy bay. Cửa an ninh hoặc xuất, nhập cảnh sân bay được lắp thiết bị tự động chụp gương mặt. Hành khách được camera chuyên dụng chụp khuôn mặt, đối chiếu với thông tin đọc từ căn cước công dân gắn chip. Hệ thống trả kết quả xác thực thông tin hành khách, hành trình bay và đối sánh với danh sách hành khách bị cấm bay hoặc phải kiểm tra an ninh bắt buộc…
Cũng trong Chỉ thị, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cần đề xuất chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh có điều kiện với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn, thời gian lưu trú dài ngày nhằm tiến tới Việt Nam sẽ mở rộng diện được miễn thị thực đơn phương, thay vì chỉ có 13 nước như hiện nay.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thí điểm miễn thị thực ngắn hạn từ 6-12 tháng cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao. Chính sách thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12-36 tháng) sẽ được nghiên cứu áp dụng để thu hút phân khúc thị trường khách cao cấp, nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao từ châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước Trung Đông.
Quan điểm mở rộng diện miễn thị thực để thúc đẩy du lịch từng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiều lần đề xuất. Trước đó, tại hội nghị phát triển du lịch hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU). Mặt khác, Việt Nam nên miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ để kích cầu du lịch.
Đạt con số tương đương với thời điểm trước đại dịch (tháng 1/2019), lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Để thu hút, hấp dẫn du khách trong bối cảnh hậu đại dịch, các địa phương cần xây dựng môi trường du lịch văn hóa, thân thiện, mến khách với phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương để tạo động lực “một cung đường – nhiều điểm đến.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng đề án lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài và đẩy mạnh khai thác du lịch đường biển, đường bộ; thúc đẩy du lịch đường sắt./.
Việt Nam hiện đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực, như Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, con số này lần lượt ở Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64.