Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (732.000 lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (478.000 lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (380.000 lượt). Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia và Úc (281.000 lượt), Ấn Độ (272.000 lượt), Campuchia (260.000 lượt), Thái Lan (248.000 lượt).
Từ những con số trên, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel, Phó chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội tin rằng, mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế trong năm 2024 của Việt Nam đang nằm trong tầm tay, hoàn toàn có thể đạt được.
Theo ông Nghĩa, từ đầu năm đến nay đang là giai đoạn thấp điểm của đón khách quốc tế, tuy nhiên đã có gần 10 triệu lượt khách tìm tới. Đây là con số khả quan, trong khi còn cả mùa cao điểm đang ở phía trước.
“Mùa cao điểm đón khách quốc tế tới du lịch Việt Nam sẽ từ tháng 9 đến hết tháng 3 năm sau. Chúng ta còn cách mục tiêu khoảng 8 triệu lượt khách, theo kinh nghiệm của tôi, đây là con số hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí là vượt qua”, ông Nghĩa nhận định.
Phân tích về những yếu tố giúp ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, thực tế sau đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên là điểm đến an toàn.
“Chúng ta có nền chính trị ổn định, lịch sử lâu đời, văn hóa, ẩm thực đa dạng, các dịch vụ lưu trú, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch gần như thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực. Hơn nữa, Việt Nam có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đó là những lợi thế của chúng ta so với các nước trong khu vực”, ông Nghĩa nói.
Cùng đó, thời gian qua chính sách nhập cảnh thông thoáng, thuận lợi, không có rào cản, khách du lịch có thể dễ dàng đến và đi.
Dù đạt kết quả khả quan nhưng ông Phạm Duy Nghĩa vẫn cho rằng du lịch Việt vẫn thiếu một chút về chất. Nếu có thể khắc phục ngay, thì du lịch trong năm 2024 sẽ bùng nổ hơn nữa. “Việc các hãng hàng không trong nước đang thiếu máy bay để vận hành, dẫn đến tình trạng phục vụ khách trong nước cũng chưa đủ, chưa nói đến khách quốc tế. Do đó, dẫn đến tình trạng giá vé máy bay trong nước vẫn đang neo ở mức cao, ảnh hưởng tới giá thành các tour du lịch và lộ trình du lịch của khách nước ngoài”, ông cho hay.
Trước đây, khách quốc tế đến Việt Nam thường sẽ lựa chọn đi xuyên Việt để trải nghiệm văn hóa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, giá vé máy bay trong nước đắt đỏ, nhiều người chỉ lựa chọn một vùng đến Bắc, Trung hoặc Nam để tiết kiệm chi phí rồi bay tới nước khác trong khu vực. Điều này dẫn đến việc họ sẽ lưu trú lại Việt Nam ít ngày hơn, sử dụng dịch vụ du lịch ít hơn, tiêu ít tiền ở Việt Nam, nó vô hình ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội hy vọng thời gian tới, tình trạng vé máy bay cao sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, khắc phục để thúc đẩy du lịch trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi, cùng với các chương trình kích cầu xúc tiến du lịch đã tạo cú hích mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nới lỏng việc cấp visa, để thu hút khách quốc tế còn bởi hoạt động ký kết trao đổi khách 2 chiều giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác quốc tế.
“Sau đại dịch, những xu hướng du lịch mới đã nhanh chóng được áp dụng để điều chỉnh theo những thay đổi trong hành vi của khách hàng, việc hợp tác trao đổi khách du lịch cũng là hướng hợp tác nhằm tăng cường kết nối các điểm đến trao đổi khách”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đẩy mạnh triển khai các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cùng với mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến trong những tháng cuối năm và hàng loạt hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nhiều thị trường trọng điểm.