Năm nay, Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành của Việt Nam đứng thứ 59/119 với điểm trung bình 3,96/7. Đây là sự tụt hạng đáng kể so với năm 2022, khi Việt Nam đứng thứ 52/117 với điểm trung bình 4,1/7.
Theo nghiên cứu của WEF năm 2024, chỉ số có điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam là Hạ tầng dịch vụ du lịch (2,2 điểm, hạng 80/119). Chỉ số về Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành đạt 3,63 điểm, xếp hạng 98/119.
Chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là Tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch, đạt 2,95 điểm, xếp gần cuối bảng ở vị trí 115/119. Chỉ số này đo lường tác động kinh tế và xã hội của ngành du lịch và lữ hành, bao gồm đóng góp cho ngành kinh tế, sự cung cấp việc làm thu nhập cao và bình đẳng giới trong lực lượng lao động.
Các chỉ số tốt nhất của ngành du lịch Việt Nam là Giá cả cạnh tranh (5,68 điểm, hạng 16), An ninh an toàn (6,19 điểm, hạng 23). Việt Nam được đánh giá cao về các chỉ số trong nhóm Tài nguyên du lịch và lữ hành, như chỉ số Tài nguyên thiên nhiên (hạng 26), Tài nguyên văn hóa (hạng 28) và Tài nguyên khác ngoài giải trí/nghỉ dưỡng (hạng 38).
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có thứ hạng cao nhất khi xếp thứ 13/119 quốc gia. Các quốc gia xếp trên Việt Nam lần lượt là Indonesia (hạng 22), Malaysia (hạng 35), Thái Lan (hạng 47). Các quốc gia xếp dưới Việt Nam là Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91). Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia tiến bộ nhất so với kỳ đánh giá trước đó, tăng vọt từ hạng 36 lên hạng 22.
Ngày 5/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thứ hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc.
Mục tiêu cụ thể năm 2024, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc. |