Ngành du lịch sau đại dịch và trước thách thức từ khủng hoảng kinh tế đang cần những giải pháp phát triển mới, mà vấn đề bản địa hóa là lựa chọn tối ưu. Phải làm sao có những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, phù hợp đặc tính văn hóa, sinh hoạt… địa phương, du lịch mới có thể thu hút du khách quay lại. Theo đó, câu chuyện chuyên biệt sản phẩm quà lưu niệm trong du lịch trở thành một góc cạnh đáng nghiên cứu.
Một chuyên gia văn hóa du lịch chỉ ra, điểm đến du lịch nào cũng luôn cần nhắc du khách “xin đừng quên tôi”, mà quà lưu niệm là cách thức thuận tiện nhất. Khi trên bàn làm việc, bàn ăn… có một vật phẩm lưu niệm nào đó, du khách sẽ luôn nhớ về điểm đến, vùng đất từng đi qua hay mơ ước trải nghiệm. Đó sẽ là động lực khiến họ muốn “xách va li lên”.
Lưu ký mỗi vùng đất, từng giá trị
Ông Trần Đình Hằng, Trưởng phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế chia sẻ, có một nỗi buồn tồn tại trong hoạt động đầu tư du lịch lâu nay là những món quà lưu niệm kém giá trị. Đơn giản tại Huế, khi đến với chùa Thiên Mụ, ai cũng muốn có một dấu ấn kỷ niệm, song ngoài những bức ảnh, du khách sẽ rất khó chọn được món quà lưu niệm nào cho bản thân, hay cho bạn bè của mình. Vì đơn giản, cả một loạt các gian hàng bán quà lưu niệm quanh địa điểm này chỉ toàn bán… quà lưu niệm Trung Quốc. Từ những cái quạt giấy, đến những món đồ chơi, cái chuông nhỏ…, tất cả đều được nhập về, và có thể nhìn thấy ở Nam Kinh, Thượng Hải, Vân Nam…
Ông Hằng nói, đó không phải là những đồ lưu niệm của Huế, và sẽ chẳng ai tha thiết với những món quà đó cả. Trong khi đó, nếu biết tổ chức, các cơ sở du lịch chỉ cần kết hợp một xóm làm nón bài thơ nào đó, một chỗ đan quạt nào đó, để tạo một chỗ trình diễn, giới thiệu các sản vật được làm bằng bàn tay thợ thủ công Huế, thì du khách sẽ bị thu hút. Nếu những chiếc nón bài thơ Huế được bài trí, chế tác kỳ công, bên trong in hình một bài thơ lãng mạn tiếng Pháp, một câu ngạn ngữ Anh…, niềm hứng thú của du khách nước ngoài sẽ còn tăng hơn nữa. Cách thể hiện những món quà lưu niệm gắn với kỹ thuật sản xuất, lịch sử vùng đất, đặc điểm con người và văn hóa bản địa như vậy sẽ làm cho du lịch có ý nghĩa hơn, và thật sự lưu ký trong lòng du khách để mời họ trở lại.
Quà lưu niệm ở làng mắm Nam Ô (Đà Nẵng) đâu chỉ là những chai nước mắm? |
“Hãy mời người ta ăn một món ăn ở quê hương bạn, chứ đừng mời một món ăn có thể thấy ở nơi khác”, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn (Đà Nẵng) nhận xét như vậy, và với ông, địa phương nào càng tạo ra những sản phẩm lưu niệm ấn tượng riêng biệt, địa phương đó sẽ càng có lợi thế du lịch. Sự khéo léo ở đây là phải biết làm nên sản phẩm bằng những suy nghĩ độc đáo. Ví dụ khi du khách đến làng nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng), họ không thể xách theo những chai nước mắm, vậy tại sao không thể chế tạo những móc khóa, chặn giấy… có hình chai nước mắm, hũ ruốc, hay những chiếc thuyền ngư dân bao đời? Bằng cách này, quà lưu niệm có thể chuyển tải được vô số thông điệp đến với du khách, và sẽ buộc họ phải lưu giữ, nhớ đến một cách dài lâu.
Cần lắm những dấu ấn “chỉ dẫn địa lý”
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhận xét, quà lưu niệm đang là vấn đề mà ông cùng các phòng, ban quản lý quan tâm. Phải biết tạo nên những món quà lưu niệm độc đáo và ý nghĩa, như là hiện thân của những chỉ dẫn địa lý cho vùng đất đỏ bazan, thì du lịch Đắk Lắk và Tây Nguyên mới có thể sống động và phát triển.
Đơn giản như hiện tại Đắk Lắk vào mùa sầu riêng song đâu phải du khách nào đến đây cũng ăn được sầu riêng, và lại càng khó xách theo sầu riêng về nhà. Thế thì, tại sao một bộ sưu tập những móc khóa hình sầu riêng, từ Dona đến RI6, lại không thể được xem xét chế tác? Du khách qua đó sẽ càng biết cách nhận dạng ra loại sầu riêng nào. Nếu kết hợp những bộ quà lưu niệm xinh xắn này, với những cuộc thi nhỏ như ai sưu tầm đủ một bộ sầu riêng sẽ có quà tặng, chắc chắn du khách sẽ hứng thú quan tâm, và hình ảnh Đắk Lắk, xứ sở sầu riêng sẽ in đậm ở họ.
Những chiếc móc khóa về hình ảnh phô mai tại châu Âu. |
Hoặc giả mới đây, Đắk Lắk đăng cai tổ chức cuộc đua xe địa hình. Du lịch mạo hiểm sẽ là một ý tưởng hay để địa phương khai thác, và những cuộc đua như vậy có ý nghĩa rất tích cực để khơi gợi cộng đồng quan tâm đến Đắk Lắk. Vậy tại sao trong khía cạnh quà lưu niệm, Đắk Lắk không tính việc chế tác vài món quà lưu niệm hình xe đua vượt địa hình, từ thú bông đến những chai nước uống, hay đồ chơi trẻ em? Du khách khi đến vùng đất này, theo dõi những cuộc thi, sẽ dễ dàng cầm theo những món quà nho nhỏ ấy, để lưu giữ kỷ niệm hay để tặng cho người thân. Tất cả, sẽ là câu chuyện dài lâu về một Đắk Lắk thân thiện và dễ thương trong lòng du khách, làm sao họ không quay lại?
Ông Thái Hồng Hà thổ lộ, những túi thơm mùi cà phê, những túi bánh kẹo mùi sầu riêng, hay một chiếc khăn dệt hình voi đại ngàn do chính người Đắk Lắk làm nên, sẽ là những “đại sứ tình cảm” rất khó thay thế của địa phương, giúp du khách lưu giữ những hình ảnh, câu chuyện về vùng đất cao nguyên này. Theo ông Trần Đình Hằng, đó chính là giá trị văn hóa được thể hiện, kết tinh vào đời sống hằng ngày, trực tiếp giúp cải thiện sinh kế người dân và nuôi dưỡng tình cảm với du khách. Ngành văn hóa du lịch chớ nên coi nhẹ vấn đề này, để một lần nữa, khi đối diện với những thách thức từ khó khăn kinh tế chung, chọn ra những giải pháp điển hình, đơn giản để thu hút thành công những bạn bè quay lại. Càng thay đổi sớm những sản phẩm góp phần vào du lịch như vậy, cơ hội cho du lịch hồi phục sẽ càng lớn!