Buổi sáng, trời Tây Nguyên se lạnh. Tôi cùng hai người cháu của ông Long vào cánh đồng Buôn Triết (huyện Lắk, Đắk Lắk) để “lấy” voi về. Để vào được Buôn Triết, chúng tôi phải gửi lại xe máy ở trạm bơm thủy lợi, rồi băng qua nhiều đám ruộng vừa mới gặt. Mùi lúa chín, mùi rơm rạ thơm nồng trong không khí trong lành buổi sớm. Xa xa, chúng tôi đã nhìn thấy hai con voi to lớn như đôi tình nhân tình tứ bên nhau trên cánh đồng bát ngát, yên bình và thơ mộng. Thanh niên lớn hơn tên Y Blong Triếk, năm nay 25 tuổi, bảo tôi đi cùng Y Plu Triếk (19 tuổi) ra chỗ voi trước, còn anh rẽ ngang đi thăm các bẫy chuột đặt từ tối qua.
Plu kể, anh vừa học xong THPT, rồi ở nhà đi theo cậu học làm nài voi từ đầu năm đến giờ. Khi cách voi khoảng 10m, Plu ra hiệu tôi dừng lại chờ Blong đến. Hai con voi thấy chúng tôi thì dừng ăn, ngước nhìn. Voi cái tên HBok Khăm như cô gái có vẻ bẽn lẽn, cứ dụi đầu vào vai con đực tên Khăm Sen như cần sự che chở. Plu giới thiệu, HBok Khăm là con cái đẹp nhất trong huyện nên còn được gọi là “Công chúa”. Anh kể lại kỷ niệm nhớ đời trong lần bị ngã từ trên lưng voi Bắc On xuống đất. Hôm đó, khi đi ngang đàn trâu, Bắc On bất ngờ bỏ chạy. Plu chưa quen, ngồi không vững nên ngã, rất may chỉ bị thương nhẹ ở tay. Sau đó Plu mới biết con voi này rất sợ trâu vì hồi nhỏ nó được nhốt chung và bị trâu đánh, đến giờ vẫn còn sợ.
Blong đi đến. Anh ngồi kể chuyện đã chăm con Khăm Sen (sinh năm 1984) được 5 năm. “Những ngày đầu nó không chịu nghe lời đâu. Nó thấy mình lạ nên đề phòng, mình cũng vậy. Theo thời gian, dần dần quen hơi rồi hiểu tính cách, nó mới chịu nghe lời”. Theo Blong: “Mấy con voi cái thì dễ hơn, ai lấy, ai đưa đi đâu cũng được, thi thoảng có con khó thôi. Mấy con đực thì thôi khỏi nói”.
Hai quản tượng oai phong trên lưng voi như dũng tướng xuất trận. |
Trong khi nói chuyện, Blong luôn để mắt xem thái độ của voi Khăm Sen, thấy voi đực thi thoảng vẫn giậm chân và thở ra, anh bình thản kể: “Khăm Sen và Công chúa quyến luyến nhau, không thể tách rời. Chỉ cần tách một trong hai ra là chúng kêu rống gọi, khóc đòi cho bằng được. Nếu không gặp nhau, chúng kéo đứt xích hoặc lôi cả trụ bê tông lớn đi tìm bằng được. Những con đực như Khăm Sen bình thường rất hiền, nhưng tới mùa động dục thì rất hung dữ, không ai có thể lại gần”.
Nhận thấy voi đực đã bình tĩnh, Blong ra hiệu cho tôi và Plu đứng dậy đến gần đôi voi.
– Sen, Sen giơ chân lên tháo xích!
Sau mấy tiếng gọi bằng tiếng M’nông của Blong, Khăm Sen giẫm chân, rống dài. Blong nói: “Đấy là biểu hiện mỗi buổi sáng đi lấy voi, nếu thấy voi hít vào thở dài ra, vòi đập xuống bạch bạch thì nó đồng ý cho lấy về, còn nếu thấy tai nó không vẫy, cứ đứng đơ ra thì tốt nhất mình phải đứng né né ra. Chờ nó có biểu hiện khác mới lấy được, không phải lúc nào nhào vô cũng được. Tùy con đực hay con cái, mình phải xem các hành động của nó. Ví dụ, Công chúa bây giờ cho mình mở xích chân, nhưng giao cho người khác là nó lại không cho lấy nữa. Phải quen tính, phải biết và chiều ý. Công chúa mà bỏ đi thì thôi! Con Khăm Sen thấy không có con cái đi cùng thì nó đi một mạch về đến nhà luôn chứ khỏi nói nó đi đâu nữa…”.
Xích chân đã tháo, cả hai voi ngoan ngoãn quỳ xuống để Plu và Blong trèo lên ngồi gọn trên lưng. Hai thanh niên bỗng chốc trở thành hai quản tượng uy nghiêm, dũng mãnh ngồi trên lưng voi với cây xiên có móc điều khiển, trông như các mãnh tướng trước lúc xuất trận. Có nhiều chuyện khá lạ về voi, như chuyện Khăm Sen to lớn là vậy nhưng nó rất sợ và ghét đàn dê. Blong chỉ cho tôi thấy Khăm Sen đang đưa vòi đánh hơi phía trước có một đàn dê ăn cỏ. Anh cười nói: “Nếu không có mình ngồi trên, đi ngang đàn dê là nó bỏ chạy liền. Không biết tại sao nó lại sợ dê. Mình chỉ cần giả tiếng dê kêu mà nó cũng sợ!”. Càng gần đàn dê, Khăm Sen có biểu hiện đi né sang hướng khác. Voi Công chúa lại rất sợ xe rùa. Thấy thợ xây kéo xe rùa đi ngang là nó bỏ chạy, hoặc đem xe rùa cột vào chân là nó đứng im, không dám nhúc nhích.
Tình voi, tình người Tây Nguyên
Tôi tạm biệt hai nài voi vì đã đến đoạn hai voi lội hồ Lắk để đi tắt về điểm tập kết. Tôi tiếp tục được gặp Y Piếp Hmok, năm nay 27 tuổi, người nổi tiếng gan dạ khi nhận điều khiển voi đực Thông Răng (voi Ngà Chéo) của bà H Ang Dyang từ năm 2014 đến nay. “Đây là con voi chỉ Y Piếp Hmok mới lấy được, còn người lạ tới lấy thì thôi rồi” (câu nói của Blong). Ngà Chéo có cặp ngà dài nhất nhưng bên cao, bên thấp, cực kỳ khó tính và cũng là con voi đực còn sung mãn nhất. Mỗi lần Ngà Chéo động dục thì gần như phải huy động hết quản tượng giỏi về để tìm cách thu phục. Tuy nhiên, sau nhiều năm gần gũi, Y Piếp biết tính Ngà Chéo khi nó khó chịu thì càng đông người đến nó càng thêm hung tợn. Anh nhiều lần khéo léo đối diện, dỗ dành và Ngà Chéo đã phục tùng. Những lần gần đây, Ngà Chéo trở nên cực kỳ khó bảo. Để bảo đảm an toàn, mọi người chọn phương án gọi chuyên gia bảo tồn về bắn thuốc mê.
Y Piếp và voi Ngà Chéo. |
Tôi đã được gặp voi Ngà Chéo cùng nài voi dũng cảm Y Piếp. Cả hai cùng đoàn 4 con voi chở khách vừa về đến. Y Piếp kể, anh mơ ước được điều khiển voi từ nhỏ, đã 8 năm anh gần gũi, yêu thương, chăm sóc voi Ngà Chéo. Anh bảo: “Nó thương mình lắm! Có lần mình đi đám cưới xa ở bên kia quả đồi. Mình say rượu quá, cứ ôm cái đầu nó và để mặc cho nó đi cả đêm đưa mình về đến nhà…”. Như để chứng minh, Y Piếp đến đứng bên voi Ngà Chéo vuốt ve đầy thương yêu.
Chiều muộn, hoàng hôn đổ bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Bóng voi Ngà Chéo và 6 con voi nhà của ông “Vua voi” làm tối sẫm cả một vùng lòng hồ Lắk. Đó là các con voi có tên: H Luân, H Túk, HBok Khăm, Khăm Sen, Y Măm, Thông Răng. Tạm biệt những nài voi dũng cảm, tạm biệt những con voi to lớn để trở về, tôi nhớ mãi hình ảnh những giọt nước mắt của voi Ngà Chéo. Tôi đã gặng hỏi Y Piếp là vì sao Ngà Chéo rơi những giọt nước mắt ấy. Y Piếp đổ thừa “vì gió to quá!”, nhưng trong mắt anh không giấu được nỗi buồn thăm thẳm. Tôi biết, anh cũng như tất cả những người nặng lòng và yêu quý loài động vật to lớn này rất khó có câu trả lời thỏa đáng. Đó là: Tìm đâu cho ra rừng nữa để đàn voi tự do nhởn nhơ trong khu vườn sinh cảnh của mình; để chúng được tự do yêu đương, sinh con đàn cháu đống… tránh một kết cục buồn tuyệt chủng mà ai cũng trăn trở.