Với người M’nông ở tỉnh Đắk Lắk, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, vẫn thường xuyên tổ chức khi trong gia đình có người từ 60 tuổi trở lên để thể hiện lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ.
Lễ mừng thọ của người M’nông thường tổ chức vào tháng Một và Hai hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy. Trong nghi Lễ mừng thọ của người M’nông thường có các lễ vật như một con heo, ba chén cơm, một ché rượu cần lớn, một quả bầu khô đựng đầy nước…
Ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình tất bật mỗi người một công việc, bà con trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi Lễ cúng mừng thọ bắt đầu. Thầy cúng ngồi trước các lễ vật, ngồi cạnh là người được mừng thọ. Thầy cúng gọi Yàng gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức Lễ mừng thọ; cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Sau đó, thầy cúng mời người được mừng thọ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc vòng thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.
Một người đại diện cho con cháu, họ tộc tặng lễ vật như chăn đắp, khăn choàng, khăn quấn đầu hoặc khố, áo… cho người được mừng thọ. Tiếp đó, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau mời người được mừng thọ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc là những câu nói chân tình, kể lại những công lao của cha mẹ, ông bà đã săn sóc, nuôi dạy và cầu mong họ sống lâu với con cháu.
Trước khi kết thúc buổi lễ, ông bà, cha mẹ sẽ ngồi quây quần cùng con cháu, dặn dò, khuyên bảo mọi người trong buôn cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc và nghe kể khan, thổi khèn. Sau đó, người con sẽ mời họ hàng, anh em gia đình, bà con dùng bữa cơm thân mật.
Theo phong tục truyền thống của người M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Theo thời gian, tuổi càng cao, lễ mừng càng lớn. Lớn nhất là lễ mừng thọ khi cha mẹ được 70 tuổi. Qua lễ mừng thọ, các thế hệ người M’nông muốn truyền dạy cho con cháu biết yêu thương, giúp đỡ nhau, sinh sống và làm ăn lương thiện.
Thông qua nghi lễ, thế hệ trẻ sẽ có thêm bài học về sự kính trọng các bậc tiền nhân, đến một lúc nào đó những thế hệ tiếp nối sẽ lại tiếp tục trao truyền cách ứng xử ấy đến thế hệ sau; đồng thời, thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước.
Lễ mừng thọ thường diễn ra tại gia đình, trong phạm vi buôn làng, dòng họ. Với xu thế giao lưu hội nhập, các giá trị văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk không tồn tại như một thể thống nhất mà có dấu hiệu mai một và biến mất trước tác động của văn hóa hiện đại, nhất là khi họ có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng mình nhưng vẫn sẵn sàng tiếp thu văn hóa của nhóm cộng đồng ngôn ngữ khác hay của tộc người khác, nhất là người Kinh.
Ngoài ra, Lễ mừng thọ của người M’nông được hình thành trên cơ sở mối quan hệ huyết thống khép kín trong dòng họ theo đại gia đình mẫu hệ. Những năm gần đây, thiết chế đại gia đình truyền thống đã được thay thế bằng các gia đình hạt nhân năng động hơn. Ở một mức độ nào đó, sự thay thế này đã phá vỡ sự gắn bó mật thiết cộng cảm giữa các thành viên gia đình mẫu hệ – “lớp vỏ” giúp bảo lưu văn hóa truyền thống. Đây là nguyên nhân rất quan trọng bởi đại gia đình mẫu hệ có vai trò lớn trong sản sinh, duy trì bản sắc nghi lễ vòng đời người.
Nghi lễ phản ánh quan niệm, tư duy của người M’nông đối với cuộc đời như sự sống, cái chết cùng các mối quan hệ cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng gắn với môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng bào M’nông tổ chức lễ mừng thọ là một trong những cách thể hiện sự tôn kính người lớn tuổi, chia sẻ niềm vui với người thụ lễ, của gia đình và cả cộng đồng.
“Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 8/2022, trở thành một trong 3 Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp nhằm duy trì, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Huyện Lắk hiện có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào M’nông có 9.528 hộ, 39.419 nhân khẩu, chiếm 51,2% dân số toàn huyện. Để giữ gìn và phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông cùng 2 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Tỉnh xác định, Lễ mừng thọ của người M’nông là một trong những di sản văn hóa cần được quan tâm, duy trì bảo tồn, khai thác hiệu quả gắn với phát triển du lịch địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông.
Việc giữ gìn và phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bảo tồn phong tục truyền thống của đồng bào M’nông mà còn giúp giữ gìn thiết chế tốt đẹp về gia đình, giáo dục đạo đức cho lớp trẻ về tình yêu thương và lòng hiếu thảo; do đó, cần có chiến lược, chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời./.