Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU, tổng lượt du khách đến với Đắk Lắk ước đạt hơn 3,9 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng.
Để thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10569/KH-UBND, ngày 29/12/2017 nhằm chi tiết, cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng Chương trình đề ra và đạt những kết quả quan trọng.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt hơn 3,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 186.385 lượt, khách nội địa ước đạt hơn 3,7 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân (giai đoạn 2018 – 2022) đạt 5,33%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,41%.
Riêng trong năm 2022, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, ngành du lịch Đắk Lắk ổn định và lượng khách du lịch đã trở lại bình thường, tổng số khách đón tiếp ước đạt 999.500 lượt khách, đạt 110,44% so với Kế hoạch, tăng 141,16% so cùng kỳ 2021. Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 837 tỷ đồng, đạt 108,7% so với Kế hoạch, tăng 136,03% so với cùng kỳ 2021.
Hiện cơ sở vật chất ngành du lịch đang tiếp tục được đầu tư với chất lượng ngày càng cao, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch. Tính đến hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 234 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 16% so với năm 2017; tổng 5.083 buồng phòng, tăng 18% so với năm 2017; 28 khu, điểm tham quan du lịch, tăng 27% so với năm 2017.
Du lịch Đắk Lắk đã nhanh chóng hòa nhập với xu thế phát triển du lịch chung của cả nước. |
Các sản phẩm du lịch đã có sự đầu tư, đổi mới; công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước được tổ chức thường xuyên và chặt chẽ hơn. Tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm cỡ quốc gia; chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch ngày càng cao; môi trường du lịch ngày càng được quan tâm, cải thiện… Tổng mức đầu tư du lịch giai đoạn 2018-2022 đạt hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 384,6 tỷ đồng, vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hơn 718,6 tỷ đồng, vốn huy động khác đạt hơn 0,16 tỷ đồng…
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, quá trình phát triển du lịch trên địa bàn còn gặp nhiều hạn chế như: trong 02 năm (2020 – 2021), do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh doanh du lịch bị suy giảm đáng kể; nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, ngưng hoạt động; lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh; tài nguyên du lịch ở Đắk Lắk đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc ưu tiên phát triển các ngành KT-XH khác; việc khai thác và thu hút khách du lịch là người nước ngoài còn hạn chế do địa phương chưa có cửa khẩu và sân bay quốc tế; thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế; sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, chưa thật sự hấp dẫn để thu hút khách; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp…
Đắk Lắk phấn đấu đón gần 1 triệu lượt khách trong năm 2023. |
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác du lịch; tập trung định vị hình ảnh chính xác của du lịch Đắk Lắk, triển khai quảng bá thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; tiếp tục giới thiệu quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa và những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk; đẩy mạnh công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước đã ký kết hợp tác; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động hội nhập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề như: định hướng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch đến năm 2025; hiện trạng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Đắk Lắk; giải pháp phát triển du lịch TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025…
Tại hội nghị, bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Du lịch tỉnh đã đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU. Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để kịp thời bổ sung, tham mưu UBND tỉnh định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch hiệu quả trong thời gian tới, sớm đưa du lịch Đắk Lắk phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.