• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Phone : 0262 351 77 79
  • Để tiềm năng du lịch Tây Nguyên phát triển bền vững

    Friday, 08-07-2022 / 9:47:40 AM
    By : Nguyễn Công Luân
    391 View

    Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

    Tây Nguyên là một khu vực hội tụ nhiều tiềm năng du lịch với kho tàng văn hóa độc đáo, đặc sắc và khác biệt.

    Tuy nhiên, thời gian qua các tỉnh trong vùng vẫn chưa phát huy được tiềm năng vốn có cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

    Nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

    Tây Nguyên – vùng đất gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng – có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực.

    Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

    Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú… đã tạo cho nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới), nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng liên quan đến núi, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia…

    Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch bao gồm cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…; hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng, Hồ Lắk, Biển Hồ, các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…); hệ thống các thác nước như Dray Sap, Pongour, Cam Ly, Pren…

    Tây Nguyên còn là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước.

    Đó là “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên,” kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo.

    De tiem nang du lich Tay Nguyen phat trien ben vung hinh anh 2Biểu diễn của đội cồng chiêng thị trấn Ka Năk, Gia Lai – Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

    Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc (Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, Thiền viện Trúc Lâm…).

    Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên là nơi có tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái-văn hóa, nghỉ dưỡng…

    Để du lịch Tây Nguyên phát triển bền vững

    Nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng giàu có.

    Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm phát triển, nhưng một điều khá rõ là các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; vẫn làm du lịch theo kiểu manh mún, cục bộ.

    Các tỉnh đều muốn hút khách du lịch đến với địa phương mình, nhưng lại thiếu quy hoạch, thiếu những điểm mang giá trị khác biệt, không giống với tỉnh bạn. Các sản phẩm du lịch của các tỉnh Tây Nguyên na ná nhau nên nhàm chán…

    Vì vậy, muốn phá vỡ tư duy địa phương, tạo động lực đồng hành phát triển thì không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, liên kết. Liên kết sẽ tiến tới việc lập nên những quy hoạch phát triển khoa học và phù hợp; sẽ tổ chức những chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tầm khu vực; sẽ xây dựng được thương hiệu du lịch toàn vùng và gỡ bỏ thực trạng mạnh ai nấy làm.

    Liên kết sẽ tăng thêm sức mạnh, tăng thêm tính bền vững và lực hấp dẫn. Liên kết sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, không trùng lặp. Từ đó, hình thành những giá trị đặc thù của mỗi địa phương nhưng vẫn giữ được bản sắc chung mà du khách có cơ hội thụ hưởng trên hành trình khám phá Tây Nguyên.

    Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm.

    Hoạch định của Chính phủ là phát triển du lịch theo hướng tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, toàn vùng.

    Mục tiêu trước mắt là hình thành được chuỗi liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng bằng thương hiệu riêng có của không gian đại ngàn.

    Theo các chuyên gia, nếu như miền Trung với “Hành trình di sản” mang đến cho du khách những “bữa tiệc” cảm xúc duyên hải thì Tây Nguyên sẽ cung cấp những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa rừng.

    Cũng từ cao nguyên bazan này, có rất nhiều cơ hội để mở ra các vùng du lịch rộng lớn trong nước, quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng như Lào, Campuchia.

    Phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên sẽ kéo theo sự ổn định về kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, giảm đói nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái./.

    Source : TTXVN
    Latest news