Tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh, thành phố đã được ký kết hợp tác, kích cầu du lịch trước đây, trong đó chú trọng đến những thị trường nội địa tiềm năng ở khắp ba miền đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ.
Đặc biệt trong đó chú trọng đến 4 địa phương vùng Duyên hải miền Trung, gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định và Phú Yên nhằm xây dựng kịch bản kích cầu chung và đồng bộ – từ việc phân khúc khách hàng, sản phẩm du lịch đặc thù và đồng dạng; tương tác thông tin thị trường khách hàng cho đến hình thành “gian hàng chung” để giới thiệu và bán ra những tour/tuyến du lịch được du khách ưa thích như “Tây Nguyên đại ngàn”, “Vòng cung nối biển với rừng”, “Gió ngàn và biển xanh”… một khi dịch bệnh được kiểm soát và xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Theo đó, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk kêu gọi cộng đồng làm du lịch ở đây gắn kết chặt chẽ với nhau – từ các đơn vị lữ hành (nội địa cũng như quốc tế), cơ sở lưu trú cho đến dịch vụ, nhà hàng mua sắm, giải trí… tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu đã được thống nhất trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho hay: Chương trình kích cầu này vẫn không thay đổi như giảm giá nhưng không giảm chất lượng phục vụ, đồng thời đính kèm nhiều chương trình ưu đãi khác để thu hút du khách; phân khúc thị trường du lịch theo hướng hợp lý hơn, tránh tình trạng chồng chéo khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch cho du khách; điều phối linh hoạt việc đưa – đón du khách đến những tour/tuyến trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng giá trị lợi nhuận cho từng doanh nghiệp cũng như toàn ngành.
Công ty Du lịch – Thương mại Đam San vẫn duy trì sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Ảnh: Công ty Du lịch Đam San |
Về phía cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tranh thủ thời gian “đóng băng” do dịch bệnh để hoàn thiện và làm mới sản phẩm du lịch của mình.
Chẳng hạn như Khu du lịch sinh thái văn hóa, sinh thái Suối Ong (phường Khánh Xuân – TP. Buôn Ma Thuột) đang triển khai đề án “Bảo tàng ong” với nhiều công đoạn, nội dung trải nghiệm phong phú, sinh động (tách ghép đàn, nhận diện loài, cá thể ong và cách thức nuôi, lấy mật ong, pha chế và thưởng lãm mật ong) nhằm thu hút du khách.
Nhiều đơn vị du lịch khác như Khu du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng Kô Tam, Công ty Du lịch – Thương mại Đam San, Điểm du lịch văn hóa, sinh thái Đồi thông Mehico trên địa bàn thành phố cũng như một số doanh nghiệp khác ở các huyện Buôn Đôn, Lắk cũng đã “xoay trục” kinh doanh để bổ sung, hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa voi, nhà dài, cà phê và cồng chiêng… nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá của du khách khi trở lại Đắk Lắk.
Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch khám phá Tây Nguyên, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Đắk Lắk cho rằng: Việc làm mới sản phẩm du lịch hiện nay để thỏa mãn nhu cầu của du khách khi thị trường được khôi phục trở lại là đòi hỏi cần thiết, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này trong hiện tại và tương lai.
Tất cả 21 điểm đến hiện có trên địa bàn tỉnh phải nhận thức điều đó và nhất thiết phải nâng cấp các sản phẩm du lịch của mình với những yếu tố không thể thiếu như: Không gian trải nghiệm, trưng bày; giới thiệu các bộ sưu tập liên quan đến những sản phẩm du lịch nói trên.
Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, các doanh nghiệp nên khai thác, xây dựng sản phẩm (chương trình) có chiều sâu hơn dựa trên nền tảng văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc tại chỗ, đính kèm với hoạt động thương mại đặc trưng trong vùng được Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ. Có như vậy mới thu hút du khách trở lại Đắk Lắk ngày càng nhiều và bền vững hơn.